Nhiều hộ dân nhận khoán trồng cà phê mất sinh kế

Bình luận · 76 Lượt xem

GIA LAI Sau khi chính quyền thu hồi đất làm dự án khu dân cư, hàng chục công nhân nhận khoán trồng cà phê mất sinh kế, cuộc sống khó khăn.

Nhiều năm qua, người dân đòi quyền lợi do vườn cây cà phê nhận khoán bị thu hồi. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều năm qua, người dân đòi quyền lợi do vườn cây cà phê nhận khoán bị thu hồi. Ảnh: Tuấn Anh.

Những năm qua, nhiều hộ dân nhận khoán trồng cà phê ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) liên tục gửi đơn kiến nghị yêu cầu được hưởng quyền lợi chính đáng khi chính quyền thu hồi đất để làm dự án khu dân cư.

Mất sinh kế, nhiều gia đình rơi vào thảm cảnh

Từ những năm 1977-1978, hàng chục hộ dân từ các tỉnh phía Bắc vào huyện Chư Sê để làm công nhân trồng cà phê cho Nông trường Ia Pat, nay là Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai. Vượt qua bao khó khăn, nhiều thế hệ công nhân đã bám vào cây cà phê sinh sống đến bây giờ.

Đến năm 2017, các công nhân được thông báo tạm dừng chăm sóc vườn cây để chuẩn bị thu hồi đất làm Dự án khu dân cư xã Dun và xã Ia Pal.

Từ đây, không ít gia đình bao năm gắn bó với cây cà phê đã phải chuyển nghề, ai thuê gì làm đó, đời sống bấp bênh. Thậm chí, nhiều người phải đi đến TP. HCM, Bình Dương làm công nhân kiếm tiền gửi về nuôi gia đình.

Từng nhận khoán trồng 7 sào cà phê, gia đình ông Nguyễn Lương Xuyên (thôn Queng Mép, xã Dun) đã bị yêu cầu dừng chăm sóc, trả lại vườn cây. Không còn đất canh tác, ông Xuyên bỏ đi TP. HCM làm công nhân nhưng chỉ được thời gian ngắn thì mất việc do đại dịch Covid-19 xảy ra. Ông Xuyên trở về huyện Chư Sê mượn đất của người thân mở quán bán nước mía.

"Nhà tôi ở nhờ bố mẹ và cũng không có mảnh vườn nào khác để sản xuất. Giờ ai thuê gì làm đó, không có thì ở nhà phụ vợ bán nước mía kiếm sống qua ngày", ông Xuyên cho biết.

Hàng ngày bà Hằng đi nhặt phế liệu nuôi các con ăn học, trong đó 1 con nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh. Ảnh: Tuấn Anh.

Hàng ngày bà Hằng đi nhặt phế liệu nuôi các con ăn học, trong đó 1 con nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự, gia đình bà Trần Thị Hằng (thôn Queng Mép, xã Dun) trước đây cũng nhận khoán chăm sóc gần 1ha cà phê. Khi có thông báo thu hồi vườn cây, vợ chồng bà Hằng đã không có việc làm, không còn đất canh tác. Hàng ngày, chồng làm "thợ đụng", còn bà Hằng chuyển qua nghề nhặt phế liệu, mỗi ngày kiếm chừng 200.000 đồng. Số tiền đó không đủ để nuôi 3 đứa con ăn học, trong đó 1 con nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh.

Yêu cầu được hưởng quyền lợi chính đáng

Theo các hộ dân, năm 2018, khi được thông báo thu hồi đất để thực hiện Dự án khu dân cư xã Dun và xã Ia Pal các hộ đã miễn cưỡng chấp nhận.

Tuy nhiên, đến đoạn áp giá bồi thường thì người dân không đồng ý, liên tục gửi đơn kiến nghị yêu cầu được chi trả khoản bồi thường giá trị người dân đã đầu tư vào vườn cây. Lý do, hàng năm người dân đều bỏ tiền ra tự tái canh 10% diện tích cà phê và trồng thêm nhiều loại cây khác như sầu riêng, bơ. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng yêu cầu được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

Người dân bị thu hồi vườn cây liên tục gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân bị thu hồi vườn cây liên tục gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng. Ảnh: Tuấn Anh.

Trả lời kiến nghị của người dân, bà Rmah H'Bé Nét, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết, đối với tài sản là cây cối do người dân nhận khoán tự trồng thêm như sầu riêng, cây bơ… UBND huyện đã tổ chức kiểm đếm và lập phương án bồi thường theo quy định. Còn tài sản là cây cà phê thì thuộc sở hữu của doanh nghiệp nên người dân không được bồi thường.

Bên cạnh đó, theo các quy định tại Luật Đất đai 2013, Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì các hộ dân nhận khoán vườn cây cà phê, không phải nhận khoán đất nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

Theo tìm hiểu được biết, hàng chục ha đất vốn trồng cà phê, sầu riêng, bơ… nằm trong diện thu hồi đất thực hiện dự án đang bị bỏ không. Gần đây, nhiều hộ dân thấy đất để không lãng phí nên lại ra chăm sóc vườn cây, trồng cây ngắn ngày để kiếm kế sinh nhai.

Bình luận