Chuyên gia 'bắt bệnh' giá heo hơi tụt dốc?

Bình luận · 274 Lượt xem

Trái với các dự báo được đưa ra trước đó, giá heo hơi vẫn tiếp tục tụt dốc về xấp xỉ với mức thấp nhất thời điểm đầu năm. Nguyên nhân gì khiến giá heo hơi giảm?

TS. Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và dịch vụ nông nghiệp Việt Nam - nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Trái với dự báo trước đó đưa ra rằng giá heo hơi sẽ tăng trở lại sau khi chúng ta qua tháng 7 âm lịch, hiện giá heo hơi tụt giảm mạnh, đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Từ đầu tháng 10/2023 đến nay, giá heo hơi liên tục đi xuống, mức giảm mỗi ngày chỉ từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg, tuy nhiên, với cách đi theo chiều hướng 'giảm dần đều' đã khiến giá heo hơi có địa phương xuống mức 5.000 - 7.000 đồng/kg.

giá heo hơi hôm nay

Chuyên gia 'bắt bệnh' giá heo hơi giảm?

Giá heo hơi các địa phương đang tiến về mức chung 50.000 đồng/kg, thậm chí có địa phương về mức 48.000 đồng/kg, gần về mức thấp nhất so với thời điểm đầu năm 2023.

Trái với các dự báo được đưa ra trước đó cho rằng giá heo hơi sẽ tăng trở lại sau tháng 7 âm lịch, giá heo hơi vẫn tiếp tục tụt dốc về xấp xỉ với mức thấp nhất thời điểm đầu năm 2023.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do sức mua chậm vì nhu cầu và thu nhập vẫn còn hạn chế. Công ăn việc làm không phải chỗ nào cũng có, nhiều nơi vẫn chưa trở lại như bình thường. Người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn từ nhiều nguồn sản phẩm khác nhau, không chỉ thịt heo mà còn thịt gia cầm hay thủy sản...

Một lý do khác đó là dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, khiến việc bán chạy đàn cũng diễn ra.

Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì ổn định. Ví dụ như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam vẫn đang duy trì mỗi ngày xuất chuồng từ 15 - 17 nghìn con.

Nhiều ý kiến cho rằng heo nhập lậu cũng là nguyên nhân khiến giá heo hơi trong nước tụt giảm. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Tôi không cho rằng nguyên nhân do nhập lậu. Đợt này, tình hình heo nhập lậu đã đỡ đi nhiều. Trước đây, do giá cả heo hơi tại thị trường trong nước tăng cao, nên heo hơi nhập lậu từ Thái Lan mới tràn qua đường biên giới Campuchia vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Trọng
TS. Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và dịch vụ Nông nghiệp Việt Nam - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Cụ thể, thời điểm trước đây, khi giá heo hơi của Việt Nam lên tới 64.000 – 67.000 đồng/kg, cao hơn của Thái Lan 10.000 - 12.000 đồng/kg, khi đó, đối tượng nhập lậu bằng cả đường biển, đường bộ, đường sông, heo nhập lậu thẩm thấu vào thị trường, có thời điểm mỗi ngày lên tới 2.000 - 3.000 con.

Tuy nhiên, hiện, giá heo hơi tại thị trường trong nước đang tụt xuống dưới 55.000 đồng/kg. Nhiều địa phương đang về quanh mức 50.000 đồng/kg, với mức giá này, heo nhập lậu sẽ không đủ chi phí vận chuyển và có nhập sang thì cũng không bán được.

Với giá bán hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, bà con chăn nuôi đối diện với thua lỗ. Ông bình luận gì về việc này?

Thời gian vừa qua, giá thức ăn có xuống, giá thành có giảm đôi chút, tuy nhiên, bà con chăn nuôi vẫn phải làm theo chuỗi.

Với giá như hiện nay, nếu bà con vừa phải mua con giống, vừa phải mua thức ăn ở các đại lý cấp 2, cấp 3 thì chắc chắn thua lỗ. Chưa nói đến các chi phí về an toàn sinh học, thuốc men,…

Đây là thời gian cao điểm cho việc tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm Tết Nguyên đán. Với mức giá như hiện nay, bà con sẽ không dám tái đàn. Liệu chúng ta có lo ngại thiếu nguồn cung thịt heo thời điểm Tết Nguyên đán không, thưa ông?

Vấn đề là dịch bệnh phải được kiểm soát. Bởi chúng ta duy trì được đàn heo nái thì đàn heo con vẫn duy trì được, người chăn nuôi không nuôi chỗ này thì sẽ nuôi chỗ khác. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn chủ động đầu vào, đầu ra. Bị động ở đây là khối nông hộ. Hiện, số hộ giảm nhiều, từ con số 4 triệu hộ xuống còn 1,7 triệu hộ.

Do đó, tôi xin nhắc lại, vấn đề ở đây là phải kiểm soát được dịch bệnh thì chúng ta sẽ không lo ngại thiếu nguồn cung.

Còn nếu cứ xảy ra nhỏ lẻ, chỗ này hay chỗ kia, dẫn đến tình trạng bán chạy đàn thì dù đàn heo không nhiều nhưng khi đã bán chạy thì tạo hiệu ứng domino và kéo mức giá heo hơi tụt giảm.

Hiện tại, lợi ích giữa 3 khâu là người sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng vẫn chưa hài hòa, việc này sẽ dẫn đến chăn nuôi kém bền vững.

Và khi chúng ta mất cân đối giữa cung với cầu, hay nói cách khác khi thị trường bất thường thì người chịu thiệt là người sản xuất và người tiêu dùng.

Ông có dự báo gì về giá bán heo hơi thời gian tới không?

Giá heo hơi chắc chắn sẽ phải lên. Bởi heo tại các nông hộ nếu có bán chạy đàn thì dần rồi cũng sẽ hết. Các doanh nghiệp lớn họ không bán chạy.

Giá heo hơi cũng sẽ phải lên khoảng 60.000 đồng/kg thì mới hài hòa được các khâu. Trừ trường hợp giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục giảm xuống nữa.

Hiện, giá thức ăn chăn nuôi đã xuống, tuy nhiên, vẫn ở mức cao. Chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khiến giá thành heo hơi trong nước đang đứng ở mức cao so với các nước trên thế giới. Ví dụ như Đan Mạch, giá thành heo hơi chỉ rơi vào khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Tại Việt Nam, giá thành chăn nuôi heo trung bình vẫn trên 50.000 đồng/kg, cao hơn so với Thái Lan từ 10 - 15%.

Dự báo, nếu không có gì đột xuất thì giá heo hơi sẽ lên mức 60.000 đồng/kg, bởi thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt heo tăng từ 10 – 15%, kéo giá heo hơi tăng.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận