Thu hút đầu tư chế biến sâu 4.100ha cây dược liệu

Bình luận · 205 Lượt xem

Trong 200 loài thực vật dược liệu trong Sách đỏ Việt Nam thì Yên Bái có gần 100 loài. Bởi thế, tỉnh này có tiềm năng rất lớn để phát triển cây dược liệu.

Thành lập năm 2018, Hợp tác xã Lũng Lô (huyện Văn Chấn, Yên Bái) đã tập trung phát triển cây dược liệu với quy mô lớn. Tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu tại khu vực đèo Lũng Lô, HTX đã triển khai trồng 15ha cây dược liệu như đương quy, hoài sơn, sâm Bố Chính, hi thiêm và một số loại cây dược liệu khác.

Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên các loại cây dược liệu phát triển tốt, ít sâu bệnh. Theo HTX Lũng Lô, mỗi loài cây dược liệu cần thời gian sinh trưởng đủ dài mới có thể đảm bảo chất lượng dược chất. Chẳng hạn cây hoài sơn có thể cho thu hoạch sau 1 năm, đương quy cho thu hoạch sau 2 năm, các loại sâm có thể cho thu hoạch sau 5 năm...

Du khách nước ngoài thăm vườn cây dược liệu của HTX Lũng Lô (huyện Văn Chấn). Ảnh: Thanh Tiến.

Du khách nước ngoài thăm vườn cây dược liệu của HTX Lũng Lô (huyện Văn Chấn). Ảnh: Thanh Tiến.

Theo anh Đỗ Bảo Long - Giám đốc HTX Lũng Lô, với điều kiện tự nhiên ưu đãi, khu vực xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn, Yên Bái) có tiềm năng rất tốt để phát triển cây dược liệu. Cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, tuy nhiên người trồng phải chú ý chăm sóc trong thời gian đầu.

Do nhu cầu của thị trường tăng lên, cần mở thêm diện tích vùng trồng cây dược liệu, HTX Lũng Lô đã tích cực tuyên truyền, vận động thành viên HTX và bà con trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, lúa và những cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây dược liệu. Cùng với đó, HTX đã và đang tích cực phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các loại cây dược liệu mới, đồng thời mở rộng diện tích cây dược liệu đang có triển vọng lên gần 20ha...

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 630 loài cây dược liệu, được phân thành 11 nhóm thuốc chữa bệnh, trong đó có các loại cây dược liệu quý, có giá trị cao như giảo cổ lam, thổ phục linh, trà hoa vàng, khôi nhung, sơn tra, thảo quả, quế... Trong tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, tỉnh Yên Bái định hướng phát triển cây dược liệu gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng. Trong đó ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu (quế, sơn tra, thảo quả, hà thủ ô đỏ, cà gai leo, lá khôi…).

Vùng nguyên liệu cà gai leo của HTX Dược liệu Yên Bái ở huyện Văn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Vùng nguyên liệu cà gai leo của HTX Dược liệu Yên Bái ở huyện Văn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Yên Bái là địa phương có nguồn cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng. Trong 200 loài thực vật dược liệu trong Sách Đỏ Việt Nam thì Yên Bái có gần 100 loài. Bởi thế, Yên Bái có tiềm năng rất lớn để phát triển cây dược liệu, nhất là các loài cây dược liệu quý hiếm. 

Từ năm 2018, UBND tỉnh Yên Bái cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện "Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tại tỉnh Yên Bái". Với định hướng phát triển, mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hoá có ưu thế trên địa bàn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 4.100ha cây dược liệu các loại.

Cùng với đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cho khoa học công nghệ, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư, thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như khôi nhung, đinh lăng, ba kích...; khuyến khích trồng bổ sung, cải tạo, thay thế diện tích cây dược liệu hàng năm, cây lâu năm đã thu hoạch để duy trì ổn định diện tích, sản lượng...

Công ty Đông dược Thế Gia (huyện Văn Chấn) có một số sản phẩm dược liệu đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Thanh Tiến.

Công ty Đông dược Thế Gia (huyện Văn Chấn) có một số sản phẩm dược liệu đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Thanh Tiến.

Yên Bái cũng mời gọi các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, các nhà khoa học trong, ngoài nước thông qua liên kết kinh tế và các chương trình khuyến nông, các dự án khoa học công nghệ của các bộ, ngành trung ương để phát triển cây dược liệu.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân chuyển từ những cây trồng năng suất thấp sang trồng cây dược liệu. Qua đó, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa bảo tồn nguồn cây dược liệu quý ở địa phương, mở ra cơ hội cho các HTX, doanh nghiệp thu mua, chế biến sâu và tạo chuỗi liên kết trong chế biến dược liệu.

Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, để phát triển cây dược liệu trở thành hàng hóa có khối lượng lớn, giá trị cao, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chủ trương, chính sách như: Đề án phát triển cây sơn tra tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; đề án phát triển quế tỉnh Yên Bái; chính sách ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu quý hiếm, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng vùng núi cao; phát triển cây dược liệu gắn với phát triển và bảo vệ rừng...

Bình luận