Làm giàu từ nông sản sạch

Bình luận · 102 Lượt xem

Những thành công trong phát triển nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị đang tạo nên bước chuyển nhanh trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, từ đó, góp phần hình thành nhiều HTX, mô hình sản xuất có hiệu quả cao.

Hiện nay, phát triển nông nghiệp sạch, tuần hoàn đang là hướng đi hiệu quả cho người nông dân. Với chu trình khép kín, tận dụng được nguồn chất thải, phế thải, phụ phẩm của quá trình sản xuất để trở thành đầu vào của quá trình sản xuất khác trong sản xuất nông nghiệp đã giúp bà con nông dân gia tăng giá trị sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

 

Phát huy hiệu quả từ mô hình tuần hoàn

 

Nổi bật như mô hình sản xuất và chế biến rau sạch theo công nghệ Nhật Bản của HTX Nam Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một trong những mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

 

HTX đã tận dụng được các nguồn phế phẩm như rơm rạ sau các vụ thu hoạch lúa, rác hữu cơ, các loại cây màu khác sau khi đã cho thu hoạch hết củ, quả và giữ lại để làm phân bón sử dụng quanh năm.

Mỗi năm HTX Nam Cường sản xuất được từ 30 - 40 tấn phân bón hữu cơ để phục vụ cho mô hình rau an toàn của HTX. Việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón cho cây trồng giúp giảm chi phí đầu vào đáng kể cho sản xuất, mà người nông dân lại thu được lợi ích cao từ năng suất, chất lượng của cây trồng mang lại.

 

Hình thức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín từ khâu ngâm ủ phân bón, cải tạo đất, gieo trồng đến khâu sản xuất chế biến, đóng gói sản phẩm có sự giám sát kỹ thuật chặt chẽ trước khi các sản phẩm nông sản được xuất ra ngoài thị trường như ở HTX Nam Cường đã cho ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có giá trị cao. Theo đó, có thể truy xuất nguồn gốc và được thị trường nông sản sạch tiếp nhận bao tiêu với sản lượng ổn định, giá cả cao gấp 3 đến 4 lần so với các sản phẩm nông nghiệp cùng loại được bán đại trà ngoài thị trường.

 

Bình quân mỗi ngày HTX Nam Cường tiêu thụ từ 3 đến 5 tạ rau sạch, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động và lao động thời vụ ở địa phương có cuộc sống ổn định.

 

Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả

 

Tại tỉnh lạng Sơn, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc HTX Nông sản sạch Kim Dung, huyện Cao Lộc cho biết: "Nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch trên thị trường rất cao nên năm 2017, tôi đã mạnh dạn đi tham quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang. Năm 2018, được sự quan tâm của các cấp, ngành, tôi đã chủ động tìm kiếm các thành viên có cùng lý tưởng thành lập HTX với 9 thành viên phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp tổng hợp (vườn, ao, chuồng, rừng)".

 

Khi mới thành lập, HTX đã thống nhất việc triển khai thực hiện mô hình nuôi gà siêu trứng với tổng diện tích trang trại 1.000 m2, nuôi 5.000 con gà siêu trứng.

 

Để đảm bảo chăn nuôi, sản xuất đạt hiệu quả, hằng năm, HTX phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt. Khi đã có kiến thức, các thành viên HTX chú trọng đến từng quy trình, kỹ thuật sản xuất. Cụ thể, HTX chú trọng từ khâu chuẩn bị hệ thống chuồng nuôi gà theo tiêu chuẩn với những loại máy móc hiện đại như: hệ thống quạt mát, ánh sáng, điều chỉnh nhiệt độ tự động… đến khâu chuẩn bị nguồn thức ăn, công tác tiêm phòng, vệ sinh môi trường...

 

Đặc biệt, HTX tuyệt đối không vì lợi nhuận trước mắt mà ép gà đẻ trứng trước tuổi hoặc khai thác trứng khi gà đã quá già. Gà được nuôi và khai thác đẻ trứng trong vòng một năm, sau đó HTX tiến hành thải gà và nuôi lứa mới để cung cấp trứng đảm bảo chất lượng.

 

Để sản phẩm có thị trường ổn định, HTX tiến hành ký kết liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc. Trung bình mỗi ngày, HTX thu và tiêu thụ được trên 4.500 quả trứng với giá bán 2.000 đồng/quả, đem lại doanh thu trên 9 triệu đồng/ngày.

 

Bên cạnh đó, từ khi thành lập, HTX còn tận dụng nguồn phân bón từ mô hình chăn nuôi gà để trồng, chăm sóc hơn 500 gốc đào thất thốn, 1.000 cây sưa, 500 cây bạch đàn… trên tổng diện tích 5 ha đất rừng. Ngoài ra, đối với 2.000 m2 diện tích ao, HTX tiến hành nuôi một số loại cá như: cá chép, cá trê lai, cá trắm… trung bình cho sản lượng 600 kg/năm với giá bình quân 70 nghìn đồng/1kg, đem lại thu nhập 42 triệu đồng/năm.

Hằng năm, HTX đã thu lãi gần 2 tỷ đồng/năm cho HTX sau khi trừ chi phí, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống, đem lại nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí cho mỗi thành viên của HTX.

 

Ông Hồ Hữu Hải, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: "Trước đây, tôi không có việc làm ổn định, chỉ làm lao động tự do nên cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2018, nhờ tham gia HTX Nông sản sạch Kim Dung nên tôi và các thành viên khác được hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt phù hợp để áp dụng vào sản xuất. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cuộc sống gia đình theo đó cũng dần ổn định".

 

Đảm bảo cuộc sống ấm no cho người dân

 

Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để nhân rộng các hình thức sản xuất theo hướng xanh, sạch, bảo đảm ATTP, không chỉ ngành Nông nghiệp, mà nhiều tổ chức, đoàn thể đã chung tay tổ chức các hoạt động như tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ chế phẩm sinh học. Qua đó nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người. Tại nhiều địa phương hình thành cánh đồng xanh “3 không” (không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, rác thải tại kênh mương nội đồng; không sử dụng thuốc trừ cỏ cháy; không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng trong sản xuất).

 

Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu hiện nay.

 

“Thời gian tới Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quan tâm chỉ đạo vận động nông dân dần thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược”, ông Hoàng Văn Ngôn chia sẻ thêm.

 

Ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, cho biết, hiện nay nhiều HTX đã tổ chức liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống. Một số mô hình HTX sản xuất xanh, sạch theo chuỗi giá trị, có sự liên kết, hợp tác, có chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cụ thể đã khắc phục được những yếu kém của sản xuất nông nghiệp, nhất là trong tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường, từ đó giúp nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân và thành viên.

 

Theo ông Thắng, muốn xóa đói giảm nghèo bền vững, thực tiễn cho thấy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ tăng trưởng về năng suất, thâm dụng tài nguyên sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh, cho chất lượng nông sản cao để đạt được giá bán cao, thu lợi nhuận cao là hướng đi đúng đắn nhất.

Bình luận