Tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Thời gian qua dù bị dịch COVID-19 gây khó khăn không nhỏ nhưng ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh được đánh giá là tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Thành phố đã ban hành danh mục các sản phẩm chủ lực và tiềm năng của ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp của năm 2019 ước đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015 (367 triệu đồng/ha/năm). Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân ngành giai đoạn 2016 - 2020 là 5,82%/năm.
Thành phố cũng đã hình thành Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại Trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao hoạt động bước đầu có hiệu quả; có thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có khả năng về nguồn lực đầu tư của xã hội cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Năng suất lao động khu vực nông nghiệp tăng bình quân 21,1%/năm.
Thực hiện Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố, ngay từ giai đoạn 2000-2006, thành phố đã tạo điều kiện để kinh tế hộ nông dân mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua chương trình giống chất lượng cao với mũi đột phá qua chương trình 2 cây – 2 con của thành phố. Từng bước khắc phục tình trạng khó khăn do đô thị hóa, tích cực chuyển dần sang mô hình nông nghiệp đô thị.
Thành phố đã tiếp thu quan điểm của Chính phủ về “phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới”. Với đặc thù là 1 thành phố lớn nhất cả nước, có tốc độ đô thị hóa cao nên nông nghiệp cần phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, đó là áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra giá trị sản xuất lớn trên 1 đơn vị diện tích.
UBND Thành phố đã chỉ đạo phát triển mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ và giúp cho ngành nông nghiệp liên tục tăng trưởng mặc dù diện tích đất sản xuất bị thu hẹp dần. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm trên 900ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp,… nên tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008-2020 đạt 4,4%/năm.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã định hướng “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, Thành phố sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thực hiện định hướng trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định về phê duyệt Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và các công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Nâng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030 chiếm từ 75% - 85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; Trên 70% hộ nông dân, trên 80% doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; trên 30% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả doanh nghiệp trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực cây trồng, chăn nuôi và thủy sản.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp, thành phố đang tập trung tháo gỡ những khó khăn phát triển nông nghiệp, trước mắt chú trọng phát triển sản xuất giống cây con chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng và năng suất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2021, ngành Nông nghiệp thành phố phấn đấu tăng trưởng 2-2,5%; giá trị sản xuất bình quân đạt 630-650 triệu đồng/ha; có chứng nhận VietGAP cho 76% diện tích trồng rau; 72% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả... Kinh tế nông nghiệp thành phố dần chuyển dịch sang nông nghiệp đô thị, công nghệ cao.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cũng cho biết: Ngành Nông nghiệp thành phố phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 2 đến 2,5 lần so với giai đoạn 2010-2019. Giá trị giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sẽ cao hơn các giống, sản phẩm thông thường 6-8%, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững./.
Nguồn: dangcongsan.vn