Tổ bắt tôm càng xanh: Độc đáo, hiệu quả!

Bình luận · 181 Lượt xem

Nhờ có tổ hành nghề bắt tôm càng xanh, người nuôi tôm rất thuận lợi khi thu hoạch, giảm chi phí sản xuất...

Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) hiện có 30.382ha nuôi tôm. Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm càng xanh đang ngày càng phát triển và mở rộng diện tích. Tuy nhiên, việc thu hoạch tôm càng xanh theo hình thức chủ vuông phải lo ăn uống và phải trả công cho lao động gây tốn kém thời gian, chi phí.

 

Trước khó khăn trên, Hội Nông dân xã Bình Minh (huyện Vĩnh Thuận) đã vận động bà con trong ấp Cái Nứa (xã Bình Minh) thành lập tổ hành nghề bắt tôm càng xanh. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp người dân xã Bình Minh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí rất lớn trong quá trình thu hoạch tôm.

 

Xã Bình Minh có 3 ấp với hơn 1.447 hộ dân, diện tích tự nhiên gần 3.000ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản gần 2.470ha, hàng năm thu hoạch từ 2 đến 3 vụ tôm. Việc thu hoạch tôm với số lượng lớn gặp không ít khó khăn khi người nuôi không chủ động được trong việc kiếm người bắt tôm, nhất là khi tôm xảy ra sự cố, nếu không thu hoạch kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập.

 

Tổ hành nghề bắt tôm càng xanh được thành lập vào tháng 4/2022 với 40 thành viên tham gia. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, hiện tại Tổ đã có 130 thành viên, trong đó nam 100 người và nữ 30 người. Tổ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và tuân thủ theo quy chế, đồng thời bảo đảm tính thống nhất.

 

Tổ bầu ra ban quản lý, trong đó ông Nguyễn Văn Hận làm tổ trưởng, hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo và quyết định, chủ vuông tôm hợp đồng với tổ trưởng về thời gian bắt tôm, sau đó tổ trưởng điều động thành viên trong tổ. Thời gian thu hoạch tôm của tổ từ 2 đến 3 giờ trong ngày vào buổi sáng. Tổ trưởng sẽ chia ra các nhóm nhỏ, phân công theo chuyên môn từng người và với hình thức xoay vòng, mỗi tổ nhỏ sẽ chuẩn bị các dụng cụ cần thiết khi bắt tôm.

 

Mỗi thành viên của tổ 1 ngày có thể bắt từ 2 đến 3 hầm tôm. Tiền công cho mỗi thành viên từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày tùy theo chỗ gần xa. Mỗi tháng tổ họp 1 lần. Tổ trưởng không nhận thù lao.

 

Tổ hành nghề bắt tôm càng xanh thành lập và hoạt động đã giúp bà con nông dân tiện lợi trong việc thu hoạch tôm cành xanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập.

 

Ông Nguyễn Văn Ca (ngụ ấp Cái Nứa, xã Bình Minh) cho biết: “Nhờ có tổ bắt tôm càng xanh mà hầm tôm nuôi khi bị nghẹt oxy đêm khuya, gần sáng chỉ một cú điện thoại là có đội xuống bắt liền, nhờ đó làm giảm tỷ lệ hao hụt tôm cho người nuôi, bắt nhanh chóng, vệ sinh sạch sẽ sau khi bắt xong và chỉ bắt tôm, ngoài ra không bắt các nguồn lợi khác”.

 

 Việc thành lập tổ hành nghề bắt tôm càng xanh không những giúp tăng thu nhập cho người dân, nâng cao sức cạnh tranh về lao động mà còn giúp người nuôi giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả trong thu hoạch tôm. Mô hình này cũng giúp người dân tự nguyện tham gia hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo, đồng thời tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương...

 

Diễm Trang

 

 

Bình luận