Đồng bộ gói kỹ thuật và cơ giới hóa để giảm chi phí
Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng lúa ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ ước khoảng hơn 531.000ha, chiếm 7,3% tổng diện tích gieo trồng lúa cả nước. Năng suất lúa bình quân trong khu vực đạt hơn 61 tạ/ha, cao hơn 3,8% năng suất lúa bình quân cả nước.
Riêng tỉnh Bình Định có diện tích sản xuất lúa ước đạt hơn 96.000ha, năng suất bình quân đạt 66,45 tạ/ha, cao hơn toàn vùng 8,76%; tỉnh Phú Yên diện tích gieo trồng lúa ước đạt hơn 55.000ha, năng suất bình quân đạt 66,14 tạ/ha, cao hơn toàn vùng 8,25%.
Thời gian gần đây, xu thế phát triển công nghiệp đã thu hút nhiều lao động nông thôn, do vậy khi vào thời vụ gieo sạ hoặc thu hoạch, các vùng nông thôn thường gặp khó về lao động, dẫn tới việc thu hoạch không kịp thời nên tỷ lệ thất thoát trên đồng ruộng cao, chất lượng sản phẩm cũng bị giảm.
Để khắc phục tình trạng thiếu lao động trong sản xuất lúa, cần phải áp dụng cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất. Những năm gần đây, các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đã bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Mức độ ứng dụng cơ giới hóa khác nhau giữa các tỉnh, tuy nhiên riêng khâu làm đất và bơm nước tưới bằng máy trong khu vực đã có khoảng 90% diện tích áp dụng và trên 80% diện tích thu hoạch lúa bằng máy. Riêng sấy khô và làm sạch hạt bằng máy chỉ mới được áp dụng phổ biến ở các doanh nghiệp, còn nông dân chủ yếu phơi khô lúa bằng nắng.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa, thời gian qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tổng hợp theo hướng giảm chi phí đầu vào tại thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát, huyện Tây Sơn (Bình Định) và huyện Tây Hòa, huyện Phú Hòa (Phú Yên).
Trong vụ hè thu 2023, ASISOV xây dựng tại xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, Bình Định) mô hình sản xuất lúa ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tổng hợp nhằm giảm chi phí đầu vào với diện tích 30ha, cấy giống lúa thuần BĐR999.
Theo ThS Nguyễn Đức Thọ, Trưởng Bộ môn Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (thuộc ASISOV), mục tiêu của Dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa theo hướng giảm chi phí đầu vào tại một số tỉnh Nam Trung bộ” nhằm chuyển giao đến nông dân phương thức sản xuất mới, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp trong sản xuất lúa.
Thông qua Dự án, ASISOV đã chuyển giao đến nông dân các giải pháp khoa học công nghệ, được áp dụng đồng bộ như: Sử dụng giống mới, giảm lượng giống bằng cách áp dụng phương thức sạ hàng hoặc sạ cụm thay cho sạ lan như trước đây. Tăng hiệu suất sử dụng phân bón bằng cách bón phân cân đối, sử dụng phân bón thế hệ mới, tận dụng triệt để phế phụ phẩm trong nông nghiệp để cải tạo đất. Tưới nước và sử dụng thuốc BVTV hợp lý. Cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch để giảm ít nhất 15% chi phí đầu vào. Sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao hiệu quả, phát triển sản xuất lúa bền vững tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ.
Cần nhân rộng mô hình
Cũng theo ThS Nguyễn Đức Thọ, mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến giúp giảm được 50% lượng giống gieo sạ; giảm từ 22 - 34,5% lượng đạm bón cho cây lúa; giảm 30 - 50% chi phí thuốc BVTV; giảm 27 - 30% lượng nước tưới/vụ; năng suất tăng trung bình 7%.
Áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, chi phí sản xuất được giảm được từ 10 - 12%; hiệu quả kinh tế tăng 38% so với quy trình canh tác đang được nông dân áp dụng phổ biến. Đặc biệt, quy trình sản xuất tiên tiến làm giảm lượng khí phát thải quy đổi từ 814 - 937,5kg CO2e/ha/vụ so với mô hình đối chứng.
Áp dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến, nông dân sử dụng giống xác nhận gieo sạ với mật độ 70kg/ha bằng máy sạ cụm hoặc gieo hàng bằng công cụ sạ hàng; bón phân cân đối theo nhu cầu của cây lúa, tránh bón thừa phân đạm; thực hiện biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để giảm sử dụng thuốc BVTV, sử dụng các loại thuốc có hoạt chất trong danh mục được phép sử dụng; quản lý nước bằng cách tưới ngập - khô xen kẽ hoặc cắt giảm phiên cấp nước vào những thời điểm cây lúa không cần nhiều nước...
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đăng Sương, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, Bình Định), thực hiện quy trình canh tác tiên tiến, tuy lượng giống gieo sạ giảm nhiều so với tập quán sản xuất truyền thống (từ 160kg/ha giảm xuống còn 120kg/ha) nhưng nhờ bông hữu hiệu, số hạt chắc/bông cao hơn so với giống đối chứng, tỷ lệ lép trên bông thấp hơn giống đối chứng 3,7% nên ruộng trong mô hình cho năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình. Năng suất dự kiến của giống lúa BĐR999 trong mô hình đạt 7,17 tấn/ha (tương đương 350kg/sào 500m2), cao hơn so với giống lúa đối chứng 1,8 tạ/ha.
“Việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào canh tác lúa tại xã Tây Bình đã giúp năng suất lúa cao hơn so với giống lúa đối chứng Q5, năng suất lúa tăng 10% so với mục tiêu của dự án”, ThS Nguyễn Đức Thọ, Trưởng Bộ môn Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (thuộc ASISOV) cho biết.
Ông Vương Văn Đông, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tây Bình tính toán: Tổng chi phí ruộng trong mô hình là hơn 34 triệu đồng/ha, trong khi chi phí của ruộng ngoài mô hình gần 38 triệu đồng/ha. Tổng thu nhập của ruộng trong mô hình là gần 59 triệu đồng/ha, trong khi thu nhập của ruộng ngoài mô hình chỉ hơn 57 triệu đồng/ha. Như vậy, ruộng trong mô hình có lãi ròng đạt hơn 24,6 triệu đồng/ha, trong khi ruộng ngoài mô hình có lãi ròng chỉ hơn 19,6 triệu đồng/ha. Lãi của ruộng trong mô hình tăng hơn 20% so với ruộng đối chứng.
“Việc sử dụng giống lúa mới BĐR999 cùng với biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp đã cho cây lúa đạt năng suất cao, góp phần tăng sản lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Đông đánh giá.
“Năng suất giống lúa thuần BĐR999 trong mô hình đạt gần 7,2 tấn/ha, cao hơn năng suất giống đối chứng Q5 là 1,9 tạ/ha, tăng hơn 16,3% so với mục tiêu của dự án (6,5 tấn/ha). Lãi ròng của ruộng trong mô hình đạt hơn 24,6 triệu đồng/ha, tăng hơn 20% so với ruộng lúa Q5 của ruộng đối chứng, đạt mục tiêu đề ra.
Với kết quả trên, trong những năm tới đây, chúng tôi đề nghị các địa phương ở Bình Định nhân rộng mô hình để nông dân tiếp cận, áp dụng rộng rãi gói kỹ thuật canh tác tổng hợp theo hướng giảm chi phí đầu vào nhằm nâng cao năng suất lúa, giảm công lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ThS Nguyễn Đức Thọ chia sẻ.
Vũ Đình Thung