Người chở những 'chuyến xe' tri thức số cho nông nghiệp Bình Phước

Bình luận · 266 Lượt xem

Không chỉ áp dụng đồng bộ công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã của mình, anh Hoàng còn chuyển giao cho nhiều thanh niên khởi nghiệp.

Ước mơ “nông dân số”

Đến Nông trại Thiên Nông ở xã Phú Văn, huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước trong thời điểm cây bơ đang vào vụ, chúng tôi như bước vào thế giới công nghệ số phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nông trại rộng 50ha, trong đó có 30ha cao su, 8ha tiêu và 12ha bơ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và AseanGAP, chủ nhân là anh Đặng Dương Minh Hoàng (sinh năm 1988).

Từng gốc bơ được anh Hoàng gắn mã QR code (nhật ký số) để theo dõi toàn bộ quá trình sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Từng gốc bơ được anh Hoàng gắn mã QR code (nhật ký số) để theo dõi toàn bộ quá trình sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Từng gốc bơ đến tận từng trái bơ được anh Hoàng gắn mã QR code (nhật ký số), chỉ cần đưa smartphone vào quét mã, mọi thông tin từ chăm bón, ngày giờ thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của sản phẩm… đều được minh bạch. Song song đó, anh Hoàng cũng phát triển marketing tiêu thụ sản phẩm trên mạng xã hội và các chợ thương mại điện tử.

Cầm quả bơ chuẩn bị được xuất khẩu sang Thái Lan, anh Hoàng chia sẻ: Xuất thân từ gia đình nhiều đời làm nông, anh đã quá quen với hình ảnh quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn khó khăn. Đây là lý do sau khi du học xong chương trình kĩ sư, thạc sĩ tại Viện Công nghệ Grenoble (Pháp), chuyên ngành hệ thống tự động và công nghệ thông tin, anh Hoàng đã quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp với ước mơ thành một “nông dân số”.

“Điều tôi hướng đến là khởi nghiệp nông nghiệp thông minh, ứng dụng tự động hóa vào sản xuất để quản lý quy trình canh tác giúp giảm chi phí nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm đồng nhất, an toàn”, anh Hoàng nói.

Từng quả bơ cũng được gắn mã QR code, chỉ cần đưa smartphone vào quét mã sẽ ra mọi thông tin từ chăm bón, ngày giờ thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của sản phẩm… Ảnh: Trần Trung.

Từng quả bơ cũng được gắn mã QR code, chỉ cần đưa smartphone vào quét mã sẽ ra mọi thông tin từ chăm bón, ngày giờ thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của sản phẩm… Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, anh Hoàng ứng dụng IoT (Internet kết nối vạn vật) qua app AutoAgri, sử dụng công nghệ blockchain do anh và các cộng sự nghiên cứu để chăm sóc cho hơn chục ha bơ. Dựa trên cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, độ pH, ánh sáng đưa lên server trên thiết bị điện thoại, trên cơ sở tự phân tích tình trạng sức khỏe cây trồng, thiết bị sẽ đưa ra những hành động phù hợp để cung cấp lượng nước, lượng phân bón phù hợp đến từng gốc cây. Nhờ vậy, anh Hoàng có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mà vẫn có thể tưới nước, bón phân… cho từng cây trồng trong nông trại của mình bằng những cái chạm tay trên chiếc điện thoại thông minh.

“Chi phí để đầu tư một hệ thống hoàn chỉnh từ hệ thống cảm biến đến hệ thống châm phân, tưới tự động… hết gần 80 triệu đồng/ha. Đổi lại tôi tiết kiệm được 80% nước tưới, 40% phân bón và thuốc BVTV cũng như bớt đi được hàng trăm công lao động mà vẫn giữ được năng suất ổn định, chất lượng sản phẩm vượt trội. Bên cạnh cung cấp bơ cho các hệ thống siêu thị trong nước, sản phẩm bơ của nông trại còn được xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và đang từng bước để xuất sang EU, Nhật Bản”, anh Hoàng cho biết.

Cùng nông dân đi trên “con tàu chuyển đổi số"

Theo anh Hoàng, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị luôn là vấn đề cản trở cho bước tiến của nền nông nghiệp. Vì vậy, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số sẽ giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, thông tin minh bạch, chính xác, kết nối cung – cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường.

Cơ giới hóa được anh Hoàng áp dụng đồng bộ vào sản xuất, góp phần giảm nhiều chi phí. Ảnh: Hồng Thủy.

Cơ giới hóa được anh Hoàng áp dụng đồng bộ vào sản xuất, góp phần giảm nhiều chi phí. Ảnh: Hồng Thủy.

Để nông dân đi trên "con tàu chuyển đổi số" của mình, đầu năm 2021, anh Hoàng và các cộng sự đã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước với 16 thành viên. Trong vai trò Giám đốc HTX, anh Hoàng đã không ngần ngại chia sẻ tất cả các kinh nghiệm sản xuất cho các thành viên cũng như bà con trong vùng. 

“HTX có chức năng phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung – cầu; tư vấn về vật tư, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thiết kế vườn; sử dụng công nghệ trong chăm sóc vườn; xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản”, anh Hoàng chia sẻ.

Song song đó, anh Hoàng còn phối hợp với Tỉnh đoàn Bình Phước thực hiện nhiều “chuyến xe tri thức” để chuyển giao công nghệ, nhất là nhật ký điện tử cho nhiều thanh niên khởi nghiệp của tỉnh nhà.

Anh Hoàng (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn người dân địa phương và thành viên HTX ứng IoT vào sản xuất. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Hoàng (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn người dân địa phương và thành viên HTX ứng IoT vào sản xuất. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo anh Hoàng, xu hướng sản xuất và tiêu dùng nông sản hữu cơ, sinh thái hiện nay đang rất phổ biến và ngày càng có xu hướng tăng mạnh, ai cũng có nhu cầu ăn thực phẩm sạch. Trong bối cảnh đó, nếu người sản xuất không ứng dụng nông nghiệp số thì sẽ mất đi sự kết nối với những người thu mua và người tiêu dùng, không xây dựng được niềm tin vào sản phẩm, không xây dựng được thương hiệu và bảo vệ thương hiệu.

Đối với xuất khẩu, hiện nay nhiều nước đòi hòi các mặt hàng phải có nhật ký điện tử để giám sát quy trình sản xuất, khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới cho phép nhập khẩu.

“Nông nghiệp số nghe có vẻ cao xa nhưng thực tế nó là cách để đo được tự nhiên, để sản xuất sao cho phù hợp, là ghi lại nhật ký canh tác trên điện tử để người khác biết ta đang làm gì, làm thế nào. Đó là một sự chuyển đổi, tư duy sáng tạo trong ngành nông nghiệp.

Với phương châm “đi xa đi cùng nhau”, mình kỳ vọng HTX sẽ cùng các thành viên và các bạn trẻ góp sức để nâng tầm giá trị, thương hiệu của nông sản; tích cực xây dựng thị trường trong và ngoài nước cho nông sản, giúp nền nông nghiệp Bình Phước nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển theo xu hướng chất lượng, hiện đại, sinh thái, bền vững”, anh Hoàng nhấn mạnh.

Anh Hoàng tự hào với thành quả sản xuất của mình. Ảnh: Trần Trung.

Anh Hoàng tự hào với thành quả sản xuất của mình. Ảnh: Trần Trung.

Với tâm huyết và nỗ lực không ngừng, những năm qua, anh Hoàng đã đạt được một số thành tựu nổi bật như: Vinh dự dành Giải thưởng Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2022 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;Top 20 Start-up tiêu biểu của Tuổi trẻ Start-up Award 2023...

Không chỉ giới trẻ ngày càng tích cực tham gia khởi nghiệp và chuyển đổi số nông nghiệp, hiện nay nhiều lão nông tại Bình Phước cũng đã thử sức với chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, có người thành công, có người chưa đạt kết quả như mong muốn, song đây là những hạt nhân để cùng với địa phương thực hiện thành công nền kinh tế số.

Bình luận