Độc đáo loại bánh sử dụng gạo nếp ngon nhất Tây Bắc

Bình luận · 812 Lượt xem

Những ngày lễ, Tết, bà con dân tộc Tày ở Văn Bàn (Lào Cai) chuẩn bị những nguyên liệu ngon nhất Tây Bắc để gói bánh truyền thống.

Với bà con dân tộc Tày ở Văn Bàn (Lào Cai), bánh chưng đen là món ngon không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết.

Bánh trưng đen của bà dân tộc Tày ngày nay không chỉ là một món ăn mà còn mang nét đẹp truyền thống, biểu trưng văn hóa, bản sắc của vùng cao. Loại bánh có từ hằng trăm năm nay nhưng cách gói cũng như chuẩn bị nguyên liệu gần như không thay đổi cho tới nay.

Để làm ra được những chiếc bánh chưng đen, bà con dân tộc Tày ở Văn Bản phải chuẩn bị kỹ lưỡng các công đoạn, từng khâu trong quá trình làm bánh.

Nguyên liệu làm bánh chưng đen được chọn lựa kỹ càng, từ chọn những chiếc lá dong bánh tẻ, được rửa sạch, lau khô, cắt bớt gân lá để khi gói bánh mới đẹp.

Đặc biệt, bà con người Tày sử dụng gạo nếp Khẩu Tan Đón để gói bánh. Đây là loại gạo ngon nổi tiếng Tây Bắc, chủ yếu được trồng cấy ở xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn.

Nếp Khẩu Tan Đón là giống lúa nếp bản địa, được người dân tại Thẳm Dương canh tác từ bao đời nay. Theo tiếng Tày, "Khẩu" có nghĩa là giống, "Tan Đón" có nghĩa nếp trắng". Loại gạo nếp trắng này có hạt tròn, dẻo thơm và có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Tuy nhiên, với đặc thù thời tiết, kinh nghiệm canh tác của bà con dân tộc, nếp Khẩu Tan Đón được trồng ở Thẳm Dương mới ngon nhất. Lúa nếp Khẩu Tan Đón được cấy mỗi năm một vụ với diện tích hơn 100ha ở Bản Ngoang, Bản Thẳm, Bản Bô của xã Thẳm Dương...

Trở lại với việc làm nhân bánh chưng đen, nhân bánh được bà con sử dụng thịt lợn đen, còn tươi ngon, thái mỏng ướp gia vị và được gói kèm nhân đậu xanh.

Tuy nhiên, khâu không kém phần quan trọng trong việc làm nên bản sắc của bánh chưng của bà con người Tày Văn Bàn đó là tạo màu cho gạo cũng như để chiếc bánh chưng có màu đen.

Để làm ra chiếc bánh chưng đen, bà con dân tộc Tày chuẩn bị kỹ các khâu từ sơ chế nguyên liệu. Ảnh: Q.K.

Để làm ra chiếc bánh chưng đen, bà con dân tộc Tày chuẩn bị kỹ các khâu từ sơ chế nguyên liệu. Ảnh: Q.K.

Theo đó, việc tạo màu đen cho bánh có thể sử dụng những loại cây khác nhau như cây nếp hoặc cây núc nác, cây vừng song ở Văn Bàn, bánh chưng mang đậm hương vị cây núc nác. Theo đó, trước khi gói bánh, bà con vào rừng để lấy cành lá cây núc nác mang về đốt thành than. Sau đó giã nhuyễn lấy bột than của cây rồi trộn lẫn với gạo nếp. Khi màu đã thấm với gạo tới mức dùng tay miết mạnh mà hạt gạo vẫn đen thì mới đạt yêu cầu.

Bánh chưng đen của bà con người Tày Văn Bàn không thể thiếu trong các bữa ăn của ngày Tết. Loại bánh này giàu chất dinh dưỡng đồng và còn là một bài thuốc bồi bổ sức khỏe.

Bánh chưng đen Văn Bàn còn có tác dụng hỗ trợ giải độc và thanh nhiệt cơ thể, tốt cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt trong bánh trưng đen Văn Bàn có thành phần từ cây núc nác có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh dạ dày, viêm gan, dị ứng, viêm phế quản, mụn nhọt...

Bình luận