Ngành cam rốn ở Tỷ Quy là một ví dụ điển hình về sự phát triển nông nghiệp mẽ ở tỉnh Hồ Bắc. Với nỗ lực chung của chính phủ, các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, ngành này đã phát triển mạnh mẽ với những đổi mới khoa học và công nghệ thúc đẩy tiến bộ trên toàn bộ chuỗi cung ứng.
"Với sự hỗ trợ từ Quỹ Phát triển Internet Trung Quốc, ngành vườn cây ăn quả đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như một phần trong nỗ lực sản xuất trái cây chất lượng cao và tăng thu nhập của nông dân địa phương", Dương Nghị, Tổng Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiếp thị rau quả Giáp Tiên tại huyện Tỷ Quy, cho biết.
Các trạm khí tượng được đặt ngay tại vườn trồng giúp nông dân thu thập dữ liệu như nhiệt độ gió, độ ẩm, lượng mưa và áp suất, hệ thống bẫy đèn giám sát sâu bệnh giúp bảo vệ trái cây khỏi côn trùng và dịch bệnh, và hệ thống tưới tự động cho phép nông dân kiểm soát lượng nước và phân bón. Các thiết bị này có thể được vận hành từ xa thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh, nâng cao đáng kể hiệu quả làm việc và giảm chi phí lao động.
Với sự trợ giúp của các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, nông dân địa phương không còn phải lo lắng về việc vận chuyển trái cây sau khi thu hoạch, công việc từng rất nặng nhọc và tốn nhiều thời gian.
"Một đường ray vận chuyển đã tăng hiệu quả lên gấp 8 - 10 lần. Trong quá trình thu hoạch, các hộp cam rốn được tự động vận chuyển qua đường ray", ông Dương Nghị nói.
Sau khi thu hoạch, cam rốn được chuyển đến một dây chuyền phân loại thông minh, nơi máy quét có thể định lượng kích thước, màu vỏ, hàm lượng đường và nước trong mỗi quả cam.
Sự ra đời của bán hàng qua livestream đã mở ra những kênh bán hàng mới, đảm bảo sản phẩm cam rốn có thể tiếp cận thị trường với tốc độ nhanh nhất. 30% cam rốn tại huyện Tỷ Quy được bán trên các nền tảng bán hàng online, đem về hơn 3,3 tỷ NDT/năm.
Ông Dương Nghị, chỉ mới ngoài 30 tuổi, đã trở về cống hiến cho quê hương sau khi tốt nghiệp đại học.
Trong những năm gần đây, huyện Tỷ Quy đã đẩy mạnh thu hút nhân tài về đóng góp cho ngành trồng cam đang phát triển mạnh mẽ của địa phương. Nỗ lực này bao gồm việc thiết lập cơ sở dữ liệu nhân lực có tay nghề cao trên toàn huyện. Nông dân ở Tỷ Quy cũng được khuyến khích đi học lấy chứng chỉ nghiệp vụ, giúp tăng 20% số nông dân địa phương có bằng nghiệp vụ từ trình độ trung cấp trở lên vào năm 2022 và 46 người được trao chứng nhận danh dự "100 nông dân ưu tú nhất" của thành phố Nghi Xương.
Ngành công nghiệp cam rốn là một trụ cột kinh tế quan trọng của huyện Tỷ Quy. Với 6 triệu ha diện tích trồng cam, loại nông sản này cho sản lượng 700.000 tấn/năm. Huyện đã xây dựng một mô hình phát triển công nghiệp, trong đó các chế phẩm khác nhau từ cam rốn được bán liên tục trong suốt cả năm.
Chương trình nông nghiệp thông minh tại huyện Tỷ Quy hiện là một trong 10 sáng kiến nông thôn kỹ thuật số được Quỹ Phát triển Internet Trung Quốc đầu tư nhằm giúp ngành công nghiệp cam rốn đạt được chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện.
Lâm Hưng