Chăn nuôi tuần hoàn là xu hướng tất yếu

Bình luận · 208 Lượt xem

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, chăn nuôi theo hướng khép kín, hữu cơ, tuần hoàn là một đòi hỏi tất yếu.

Từ ngày 5-7/10, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra Hội nghị khoa học Chăn nuôi - Thú y toàn quốc lần thứ 5, chủ đề: Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số.

 

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, ngành chăn nuôi đã và đang góp phần quan trọng vào an ninh dinh dưỡng quốc gia, tạo sinh kế gần 10 triệu hộ gia đình trên cả nước, với đóng góp hơn 25% vào GDP nông nghiệp.

 

Trong những năm qua, bất chấp những thách thức đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch bệnh, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đạt được một số thành tựu và bước tiến quan trọng. Năm 2022 giá trị toàn ngành chăn nuôi ước tính đạt 23,7 tỷ USD (tăng 5,93%). 

 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển, đảm bảo được nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi vẫn đạt 3,14%.

 

"Đặc biệt, ngành thú y đã có những đóng góp vô cùng quan trọng bảo vệ sức khỏe động vật, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi thông quan các chương trình một sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, kiểm tra an toàn thực phẩm... Những năm gần đây, đi đôi với các hậu quả của biến đổi khí hậu, dịch bệnh của đàn gia súc, gia cầm diễn biến hết sức phức tạp, ngành thú y Việt Nam đã xây dựng được chiến lược phòng trừ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và đặc biệt là các bệnh truyền lây giữa người và động vật một cách bài bản và có khả năng thực thi cao tại thực địa", GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết.

 

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. 

 

Đây là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn hiện hữu. Thực tế đã chứng minh rằng nhiều địa phương đã thành công trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn 4F (Feed, Farm, Food, Fertilizer).

 

Mỗi năm ngành chăn nuôi Việt Nam tạo ra khoảng 386 triệu tấn chất thải (trong đó, 62,2 triệu tấn chất thải rắn, 323,5 triệu tấn chất thải lỏng) nhưng các công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi hiện nay phần lớn chỉ chú trọng vào nâng cao lợi nhuận, chưa hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.

 

Theo PGS.TS Sử Thanh Long, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với việc tập trung vào giảm lượng chất thải hình thành, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và khuyến khích bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái, chăn nuôi tuần hoàn cho thấy triển vọng để giải quyết những thách thức đa chiều mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt.

 

“Bằng cách áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể tạo ra một ngành chăn nuôi bền vững hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn với ngoại cảnh, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội. Các hệ thống chăn nuôi tuần hoàn cũng gợi mở tầm nhìn về một tương lai với lựợng chất thải từ chăn nuôi được hạn chế, nguồn tài nguyên được tối ưu và ngành chăn nuôi tồn tại hòa thuận với thiên nhiên”, PGS.TS Sử Thanh Long nói.

 

Tuy nhiên, hành trình hiện thực hóa các tiềm năng của chăn nuôi tuần hoàn không thiếu những thách thức.

 

Để thực hiện hiệu quả chăn nuôi tuần hoàn, PGS.TS Sử Thanh Long cho rằng, cần có cách tiếp cận toàn diện bao gồm hỗ trợ chính sách, đổi mới công nghệ và phát triển nhân lực. “Các nhà làm chính sách đóng một vai trò chính yếu trong việc tạo ra một môi trường thích ứng với chăn nuôi tuần hoàn. Các ưu đãi, quy định và cơ chế hỗ trợ có thể khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi tuần hoàn và đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo”.

 

Đặc biệt, PGS.TS Sử Thanh Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao trao đổi kiến thức và hợp tác giữa các nhà khoa học, các nhà chăn nuôi và nhà làm chính sách có thể thúc đẩy sự hình thành của các giải pháp đặc thù cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

 

Tới dự Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định những bước tiến của ngành chăn nuôi, thú y. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề trong việc xử lý chất thải trong chăn nuôi. Do vậy, chăn nuôi theo hướng khép kín, hữu cơ, tuần hoàn là một đòi hỏi tất yếu. Tuần hoàn từ giống, thức ăn dinh dưỡng, quy trình nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh, cho đến vận chuyển sơ chế, chế biến giết mổ, bày bán đều phải được triển khai một cách chặt chẽ.

 

Cùng đó, Bộ NN-PTNT là một thành viên trong Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Bộ cũng đã và đang làm việc với các tổ chức quốc tế để tiếp tục triển khai những mô hình giảm phát thải. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần phải triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, tuần hoàn, hữu cơ...

 

Trường Giang

Bình luận