Ngày 22/9, Sở NN-PTNT Đồng Tháp phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tại Việt Nam tổ chức họp báo công bố dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL (gọi tắt là Dự án TRVC) cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo tỉnh Đồng Tháp. Dự án TRVC hỗ trợ cho Đồng Tháp khoảng 22 tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh. Đồng Tháp có diện tích gieo trồng lúa khoảng 494 ngàn ha/năm, sản lượng khoảng 3,3 triệu tấn, tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt gần 70%.
Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ NN-PTNT tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 70.000ha, đến năm 2030 là 163.000ha. Riêng vụ đông xuân 2023 - 2024, Đồng Tháp đảm bảo các tiêu chí tham gia Đề án với tổng diện tích 40.955ha.
Theo ông Minh, ngày 28/4/2023, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) của ngành NN-PTNT đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với mục tiêu đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính tối thiểu đạt 121,9 triệu tấn carbon tương đương (CO2tđ). Tổng lượng phát thải khí mê tan không vượt quá 45,9 triệu tấn CO2tđ, tăng hấp thụ carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất. Từ đó đóng góp vào cam kết của quốc gia đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050, tạo cơ sở cho phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành NN-PTNT.
Việc phát triển ngành hàng lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam.
Do đó, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia dự án với vai trò là chủ thể trọng tâm, quyết định sự thành công của dự án.
Các giải thưởng tiền mặt và phi tiền mặt là động lực để doanh nghiệp tham gia, nhưng điều quan trọng nhất là ghi nhận doanh nghiệp đi tiên phong, sản phẩm hoặc công nghệ của doanh nghiệp được đơn vị quốc tế kiểm định và chứng nhận giảm phát thải khí nhà kính.
Các giá trị lớn về thương hiệu, dòng sản phẩm lúa gạo được sản xuất với trách nhiệm về môi trường cũng như việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính sẽ đặt nền móng vững chắc cho doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào thị trường trao đổi tín chỉ carbon theo lộ trình tới năm 2027 của Việt Nam.
“Ngành nông nghiệp Đồng Tháp cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp không chỉ trong khuôn khổ dự án mà sẽ tiếp tục chung tay cùng doanh nghiệp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng xanh của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và toàn vùng ĐBSCL”, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp khẳng định.
Theo bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án TRVC, sử dụng "cơ chế kéo" và thông qua sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo, Dự án TRVC sẽ tạo ra các chất xúc tác hữu hiệu, mang tính tiên phong để thúc đẩy doanh nghiệp tổ chức các vùng nguyên liệu liên kết theo hướng bền vững, đa giá trị, mang lại các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cho khoảng 200.000 hộ nông dân.
Đồng thời tạo tiền đề cho việc chứng nhận tín chỉ carbon, sẵn sàng cho các giao dịch khi thị trường tín chỉ carbon tự nguyện được vận hành thí điểm năm 2025 và chính thức hoạt động từ 2028 theo Nghị định 06/2022 của Chính phủ.