Sóc Trăng tạo đột phá để thu hút đầu tư

Bình luận · 210 Lượt xem

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, gắn với xây dựng hệ thống chín

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của địa phương, cũng như mang lại nhiều lợi thế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quy hoạch hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL, có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững. Hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa, môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ…

Quan điểm phát triển tỉnh được thể hiện rõ trong quy hoạch, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ĐBSCL và các quy hoạch liên quan.

Theo quy hoạch, Sóc Trăng lựa chọn định hướng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh. Khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng tỉnh trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL.

Đồng thời, xác định là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, tài nguyên thiên nhiên, trọng tâm là tài nguyên biển, ven biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hướng đi này vừa gắn liền với tiềm năng và lợi thế hiện có của địa phương, vừa đảm bảo định hướng phát triển bền vững cho tỉnh trong tương lai.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra, khai thác tiềm năng, lợi thế hấp dẫn của địa phương, Sóc Trăng định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 theo 4 hành lang kinh tế cùng 5 lĩnh vực.

Cụ thể, 4 hành lang kinh tế là: Hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế biển được kết nối với các tỉnh thông qua tuyến đường bộ ven biển Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu

Hành lang kinh tế Bắc - Nam, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, cùng với tuyến Nam sông Hậu, thuận lợi cả đường thủy bộ kết nối khu vực từ cầu Đại Ngãi (nối tuyến Quốc lộ 60) qua vùng cảng biển Trần Đề đến vùng kinh tế biển thị xã Vĩnh Châu.

Hành lang kinh tế Đông - Tây theo tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây tỉnh Sóc Trăng, với trọng tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến.

Hành lang kinh tế trung tâm với trọng tâm là phát triển dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị kết nối TP. Sóc Trăng với các địa phương chiến lược trong tỉnh như huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu.

Năm lĩnh vực tỉnh tập trung thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng gồm: dịch vụ logistics cảng biển; hạ tầng công nghiệp - đô thị; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; năng lượng tái tạo.

Bình luận