Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Bình luận · 424 Lượt xem

Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm OCOP tại Bình Thuận ngày càng vươn xa, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nhiều sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh có 76 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 48 chủ thể gồm 15 HTX, 1 Tổ hợp tác, 19 doanh nghiệp, còn lại là cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh. Trong đó, 40 sản phẩm đạt 3 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Những sản phẩm OCOP ở tỉnh Bình Thuận giới thiệu tại siêu thị Co.opmart Phan Thiết. Ảnh: ĐB.

Những sản phẩm OCOP ở tỉnh Bình Thuận giới thiệu tại siêu thị Co.opmart Phan Thiết. Ảnh: ĐB.

Ông Ngô Minh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, các sản phẩm OCOP của tỉnh có tính truyền thống được truyền giữ qua nhiều thế hệ hoặc mang tính đặc trưng của địa phương như nước mắm, thanh long tươi, sản phẩm chế biến từ thanh long (rượu vang thanh long, rượu đế thanh long, thanh long sấy dẻo, kem thanh long, nước ép thanh long...); sản phẩm chế biến từ hải sản; sản phẩm gạo; rong nho; tinh nghệ; sản phẩm chế biến từ ớt; hạt điều rang muối, kẹo hạt điều…

Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, mở rộng kênh phân phối, hàng năm Sở NN-PTNT, Sở Công thương đều triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, kết nối cung cầu giữa tỉnh Bình Thuận và TP.HCM, cũng như tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, hiện có 15 sản phẩm được bày bán tại siêu thị Co.opmart Phan Thiết; 20 sản phẩm được bày bán tại siêu thị Co.opmart La Gi và 10 sản phẩm được bày bán tại siêu thị Co.opmart Phan Rí Cửa.

Để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, theo ông Ngô Minh Trang, trong năm 2023 này, tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mai về các sản phẩm OCOP. Đến nay, Sở Công thương đã phối hợp tổ chức 2 hội nghị liên kết vùng và vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP tham gia các hội nghị kết nối giao thương giữa TP.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Ngoài ra, tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt tại các huyện Phú Quý, Hàm Tân và Bắc Bình cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia.  Bên cạnh đó tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử www.sanviet.vn và https://sanphamdiaphuong.vn...

“Qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp các chủ thể có cơ hội được giao lưu, tìm kiếm các đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là điều mà các chủ thể là các HTX, Tổ hợp tác, cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ đều mong muốn”, ông Trang bày tỏ.

Khách hàng thưởng thức sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận. Ảnh: ĐB.

Khách hàng thưởng thức sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận. Ảnh: ĐB.

Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm OCOP tại Bình Thuận ngày càng vươn xa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chẳng hạn trước đây các sản phẩm như nước mắm, nước ép thanh long, nước cốt thanh long, hạt điều rang muối, hải sản chế biến… chủ yếu tiêu thụ tại các huyện lân cận và các tỉnh, thành phía Nam, thì nay đã vươn xa, tiêu thụ mạnh mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Các chủ thể cần phải năng động

Theo ông Ngô Minh Trang, hiện vẫn còn một số chủ thể OCOP chưa thật sự quan tâm đến hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nhất là các HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất có quy mô sản xuất nhỏ. Phần lớn các sản phẩm OCOP chưa tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà bán lẻ Co.opmart, Big C, Lotte, Bách hóa xanh.

Hiện nhiều sản phẩm OCOP ở Bình Thuận tham gia xúc tiến thương mại, ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: ĐB.

Hiện nhiều sản phẩm OCOP ở Bình Thuận tham gia xúc tiến thương mại, ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: ĐB.

Nguyên nhân bởi nhiều chủ thể tự hài lòng với thị trường quen thuộc. Ban lãnh đạo chưa thật sự năng động, thích ứng kịp với xu hướng mới đó là tham gia sàn thương mại điện tử, chuyển đổi số.

Mặt khác, các chủ thể OCOP đa phần sản xuất quy mô nhỏ và siêu nhỏ, cơ sở hạ tầng, năng lực sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu của nhà phân phối. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho chủ thể chưa kịp thời, khó triển khai thực hiện như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị… để đầu tư bao bì, nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành.

Để tháo gỡ những khó khăn, trong định hướng triển khai chương trình OCOP hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và các địa phương phát triển sản phẩm OCOP đi vào thực chất, không chạy theo số lượng, tập trung vào các sản phẩm chế biến, có giá trị.

Bình luận