Áp dụng công nghệ tưới thông minh cho cây lạc tại huyện Cam Lộ. |
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Trị cho biết, sau hai năm thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu đã có 6 mô hình “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích”được triển khai trên diện tích 438 ha với 456 hộ nông dân yêu thích tham gia.
6 mô hình “Sản xuất cây trồng cạn (lạc, ngô, đậu xanh) áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa” được triển khai 2 vụ với quy mô 54/67,39 ha, đạt 80% so với kế hoạch phê duyệt...
Bên cạnh các mô hình CSA, dự án đã hỗ trợ xây dựng các mô hình nhân rộng CSA trên cây lúa, cây màu, cây rau. Đối với mô hình nhân rộng CSA trên cây lúa dự án thực hiện được 2 vụ (ĐX 2018 và HT 2018) với quy mô hơn 646 ha (đạt 94% so với kế hoạch) tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Đối với mô hình nhân rộng CSA trên cây màu đã thực hiện trong vụ Hè Thu 2018 với quy mô 45ha tại các huyện Vĩnh Linh và Cam Lộ. Đối với mô hình nhân rộng CSA trên cây rau đã thực hiện trong vụ Hè Thu 2018 với quy mô 3ha tại huyện Vĩnh Linh.
Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, qua hai năm dự án đã tổ chức 58 cuộc họp dân, 65 lớp tập huấn kỹ thuật đầu vụ, 8 lớp IPM, 4 lớp FFS, 2 lớp TOT, 36 hội nghị đầu bờ đã thu hút được 12.234 lượt người tham gia. Thông qua các buổi họp dân, các lớp tập huấn đã giúp nông dân nâng cao năng lực thảo luận nhóm về biến đổi khí hậu, thời vụ, giống, kỹ thuật làm đất, xử lý hạt giống, bón phân, chăm sóc, tưới nước, xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, rõ ràng ngoài giá trị kinh tế, dự án mang lại hiệu quả về mặt xã hội rất lớn. Đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất.
Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa tại nhiều địa phương của Quảng Trị. |
Các tổ chức xã hội (hội phụ nữ, hội nông dân) đã tham gia quản lý sản xuất, góp phần vào việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ sản xuất mới. Tăng cường bình đẳng giới, vai trò, kiến thức, kỹ năng, sự tham gia của người phụ nữ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cán bộ địa phương và người dân đã thấy được những hiệu ích thiết thực mang lại từ mô hình như: phương thức tổ chức sản xuất hợp lý, cơ giới hóa sản xuất, hệ thống tưới tiêu đồng bộ.