Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương. Trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Mô hình du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa trên các giá trị văn hóa bản địa, do chính cộng đồng cư dân địa phương phối hợp cùng nhau xây dựng, phát triển, quản lý, hưởng lợi song song với bảo tồn thiên nhiên.
Đây là mô hình mang lại nhiều giá trị vượt trội cho du khách khi được hòa cùng người dân trải nghiệm nét đặc sắc trong văn hóa vùng miền, đồng thời đảm bảo tính khai thác song song với bảo tồn thiên nhiên, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Quảng Trị là một tỉnh có tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch. Đặc biệt, những năm trở lại đây, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang được rất nhiều du khách lựa chọn. Các huyện như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa, Cam Lộ… đều bước đầu phát triển mô hình du lịch cộng đồng và mang lại những tín hiệu tích cực, thu hút được số lượng khách tham quan khá đông.
Ở các làng du lịch cộng đồng này, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành cộng với sự nỗ lực của người dân, những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, tập quán canh tác, điều kiện tự nhiên của cộng đồng được gìn giữ, phát huy.
Nhiều địa phương đã thu hút lượng khách lớn, đặc biệt là các đoàn khách quốc tế đến tham quan, tham gia các sinh hoạt cộng đồng và lưu trú tại địa phương. Đón khách đến thăm, người dân ở các làng du lịch cộng đồng không chỉ được thể hiện những nét đẹp văn hóa, nếp sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống, giới thiệu vẻ đẹp tự nhiên của quê hương, mà còn có thêm thu nhập từ việc hướng dẫn tham quan, trải nghiệm các nét đẹp văn hóa dân tộc, bán các sản phẩm lưu niệm như hàng mỹ nghệ, sản phẩm dệt thổ cẩm…
Có thể khẳng định, thay đổi căn bản nhất khi các làng, xã trở thành những trung tâm du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là thu nhập của người dân tốt, nguồn thu của ngân sách dồi dào, chắc chắn sẽ được tái đầu tư cho hạ tầng, giúp địa phương khang trang hơn.
Có thêm nguồn thu nhờ phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống người dân dần ấm no hơn và kéo theo đó là thực hiện tốt hơn các tiêu chí được đánh giá là khó trong quá trình xây dựng NTM như: tỉ lệ hộ nghèo (tiêu chí số 11), xóa nhà tạm bợ (tiêu chí số 9), vệ sinh môi trường (tiêu chí số 17), gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống để phục vụ lại cho phát triển du lịch (tiêu chí số 16)…
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Quảng Trị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có chiều sâu, thiếu cách làm bài bản để thu hút và giữ chân du khách.
Trong khi đó, tình hình thu hút và triển khai đầu tư các dự án du lịch còn chậm, các dự án đã đăng ký đầu tư kéo dài thời gian không triển khai thực hiện hoặc đầu tư không dứt điểm, hoạt động không có hiệu quả.
Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt. Nhiều hoạt động du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch mới này còn hạn chế, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp. Một nguyên nhân quan trọng nữa là Quảng Trị nằm ở vùng duyên hải miền Trung, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt nên hoạt động du lịch cộng đồng mang tính thời vụ rất cao.
Vì vậy, việc phát triển du lịch nông thôn sắp tới cần gắn với xây dựng NTM và có đề án phù hợp, cần nghiên cứu cơ chế chính sách cho việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn và xây dựng đề án phát triển dài hơi, cũng như xây dựng các quy hoạch cần thiết về phát triển thị trường khách du lịch, về nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn sao cho tương xứng với tiềm năng phát triển của du lịch cộng đồng.
Để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững gắn với xây dựng NTM trong thời gian tới, tỉnh cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch.
Trong bối cảnh hiện nay, phát triển du lịch cộng đồng phải gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương, làm cơ sở để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, tiêu thụ.
Mỗi huyện, thị xã, thành phố khi triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cần tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời phát huy lợi thế để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhận thức rõ du lịch cộng đồng là ngành kinh tế có tính xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trên cơ sở đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Người dân - chủ thể tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch cộng đồng phải ý thức một cách nghiêm túc về việc đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách, chất lượng của sản phẩm du lịch không chỉ thể hiện ở giá trị vật chất mà còn ở giá trị tinh thần.
Ngoài ra, việc thu hút các nguồn lực khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở kinh doanh du lịch cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với các địa bàn khó khăn và làm thay đổi cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng để du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao mức sống của cộng đồng dân cư.
Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch cộng đồng gắn với đào tạo nghề thông qua việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện.
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá để các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được du khách gần xa biết và tìm đến trải nghiệm.