Bình Định đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ ngăn chặn tàu cá vi phạm IUU

Bình luận · 117 Lượt xem

Bình Định đề nghị Bộ Ngoại giao làm việc với cơ quan chức năng nước sở tại cung cấp chứng cứ tàu cá vi phạm IUU để kịp thời thực thi pháp luật…

Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu vừa làm việc tại Bình Định. Tiếp đoàn công tác Bộ Ngoại giao có ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định và ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động đối ngoại của tỉnh trong năm 2022 và quý I/2023, trong đó có tình hình theo dõi, quản lý lực lượng tàu cá của ngư dân trong công tác chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC); phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) theo dõi, giải quyết kịp thời các vụ việc ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ và công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định báo cáo với đoàn công tác Bộ Ngoại giao. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định báo cáo với đoàn công tác Bộ Ngoại giao. Ảnh: V.Đ.T.

Nhằm góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, Bình Định đề nghị Bộ Ngoại giao cung cấp thêm các tài liệu tuyên truyền trên biển, nhất là các quy định pháp lý có liên quan đến chủ quyền biển, đảo của nước ta; các vùng chồng lấn, nhạy cảm, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước tiếp giáp trong khu vực; các quy định của nước ngoài đối với các tàu cá ngư dân bị vi phạm.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm việc, hoặc có ý kiến với các cơ quan chức năng nước sở tại kịp thời cung cấp chứng cứ các tàu cá vi phạm IUU để địa phương kịp thời thực thi pháp luật theo khuyến nghị của EC và đối xử nhân đạo đối với ngư dân, thông báo kịp thời các trường hợp trao trả tại các vị trí thuận lợi để ngư dân sớm được trở về nước đoàn tụ với gia đình”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống đánh bắt vi phạm IUU trước khi Việt Nam làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4 được Bộ NN-PTNT tổ chức tại Bình Định, Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề xuất Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đề nghị Bộ Ngoại giao cung cấp hồ sơ, chứng cứ tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, để ngành chức năng đủ căn cứ pháp lý để xử lý.

Ngư dân Bình Định khai báo tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Đ.T.

Ngư dân Bình Định khai báo tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Đ.T.

Đại tá Hữu nêu ví dụ tại Kiên Giang: Sau khi lực lượng biên phòng tham mưu cho UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt một số vụ tàu cá khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài thì chủ tàu khởi kiện ngược lại UBND tỉnh liên quan đến căn cứ pháp lý. Quy định tòa án yêu cầu việc xử phạt phải đảm bảo quy định, lập biên bản ở đâu, căn cứ có đủ không.

“Thế nhưng vi phạm xảy ra trên vùng biển nước ngoài nên chúng tôi không thể lập biên bản tại hiện trường, mà chỉ có thể căn cứ vào thông báo của Bộ Ngoại giao và của các cơ quan chức năng, căn cứ vào lời khai có xâm phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân vi phạm. Hồ sơ của nước sở tại xử lý gửi về thì chỉ có Bộ Ngoại giao có, chứ lực lượng biên phòng không có. Chúng tôi đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đề nghị đạo Bộ Ngoại giao cung cấp cho chúng tôi hồ sơ liên quan để thuận tiện trong việc xử lý những vi phạm nhằm đáp ứng khuyến ghị của EC”, Đại tá Trần Ngọc Hữu kiến nghị.

Tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, đại diện Hiệp hội Thủy sản Bình Định mong muốn Bộ Ngoại giao có giải pháp hỗ trợ tỉnh tăng cường phòng chống IUU, nhất là có phương án đàm phán với các quốc gia có vùng biển chồng lấn, chưa phân định để xác định ranh giới khai thác hải sản hợp pháp của tàu cá Việt Nam.

Bình luận