Kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông 2023 tại Hậu Giang

Bình luận · 80 Lượt xem

Ngày 21/6/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số: 69/KH-SNNPTNT, về kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông 2023 tại Hậu Giang với diện tích theo kế hoạch là 24.500ha.

I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tổng lượng mưa trong nửa đầu tháng 6/2023 đến nay ở vùng Tây Nam Bộ thấp hơn từ 20-50% so với trung bình nhiều năm (TBNN); Tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Công về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến ở mức thấp hơn TBNN khoảng 11% và thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 31%.

Dự báo từ tháng 7 đến tháng 9/2023, trên biển Đông có khoảng 06-08 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động, trong đó sẽ có từ 02-04 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Vùng ven biển Tây Nam Bộ cần đề phòng mực nước biển dâng cao bất thường gây sạt lở đê biển trong thời gian xuất hiện triều cường kết hợp sóng lớn trong thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Đồng thời, dự báo tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN, riêng tháng 8/2023 cao hơn khoảng 5-20% so với TBNN cùng thời kỳ. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần, và sẽ giảm từ tháng 10-12/2023. Dự báo từ tháng 10-11/2023 tại khu vực vùng Nam Bộ, nhiệt độ cao hơn khoảng 0,50C và tổng lượng mưa thấp hơn từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ.

Trước những dự báo về tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước diễn biến phức tạp và bất lợi như trên, để chủ động và linh hoạt trong chỉ đạo sản xuất vụ lúa Thu đông 2023 trên địa bàn tỉnh nhằm đạt mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu đông 2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cụ thể như sau:

         IIKẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ LÚA THU ĐÔNG 2023  

  1. Diện tích sản xuất:

       Theo Quyết định số 429/QĐ-SNNPTNT ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển nông nghiệp và thủy sản năm 2023, vụ lúa Thu Đông 2023 toàn tỉnh xuống giống 24.500 ha (giảm 10.500 ha so với cùng kỳ), năng suất đạt 5,4 tấn/ha, tổng sản lượng là 132.300 tấn. Phân bố cụ thể các đơn vị như sau:

STT

Đơn vị

Diện tích (ha)

Năng suất (tấn/ha)

Sản lượng (tấn)

1

Thành phố Vị Thanh

2.000

5,1

10.200

2

Thành phố Ngã Bảy

170

5,0

850

3

Huyện Châu Thành A

5.800

5,5

32.000

4

Huyện Châu Thành

0

-

-

5

Huyện Phụng Hiệp

4.000

5,4

21.500

6

Huyện Vị Thủy

9.000

5,5

49.500

7

Thị xã Long Mỹ

530

5,2

2.750

8

Huyện Long Mỹ

3.000

5,2

15.500

 

Tổng cộng

24.500

5,4

132.300

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Thời vụ gieo trồng

Trên cơ sở Thông báo số 31/TB-SNNPTNT ngày 13/6/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang Về việc xuống giống lúa vụ Thu Đông năm 2023, các địa phương cần xác định lịch thời vụ tại địa bàn quản lý. Cụ thể như sau:

Đợt 1: Từ ngày  04 - 10/7/2023 (nhằm ngày 17 - 23/5 âm lịch).

Đợt 2: Từ ngày 02 - 08/8/2023 (nhằm ngày 16 - 22/6 âm lịch).

Hiện nay, diện tích lúa Hè Thu sạ sớm tại huyện Châu Thành A và Vị Thủy đang thu hoạch, có thể xuống giống lúa Hè Thu trước khung thời vụ để tránh lũ và mưa bão nhưng phải đảm bảo nguyên tắt né rầy và đủ thời gian cách ly trên 3 tuần để cách ly sinh vật gây hại cũng như tạo điều kiện cho rơm rạ phân hủy nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa.

Đối với diện tích lúa Hè Thu thu hoạch muộn có thể xuống giống ở khu vực có hệ thống đê bao kiên cố, điều kiện chủ động bơm, thoát nước tốt để hạn chế nước lũ gây ngập úng.

Bên cạnh đó, mùa mưa năm 2023 diễn biến rất phức tạp, cần tuyên truyền nông dân thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão khi quyết định xuống giống.

3. Các biện pháp kỹ thuật cần chú ý trong vụ lúa Thu Đông 2023

- Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, cần vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ và đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 20 ngày trước khi gieo sạ để tránh sinh vật gây hại và tránh ngộ độc hữu cơ. Có thể sử dụng nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ nhằm hạn chế thối rễ cho lúa.

- Chọn sử dụng giống lúa cấp xác nhận, loại giống có tính thích nghi cao, sạ thưa, sạ hàng với lượng giống <100 kg/ha hoặc cấy. Kết hợp đánh nhiều rãnh thoát nước để hạn chế ngập, úng.

- Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như 3 Giảm 3 Tăng, 1 Phải 5 Giảm, SRP, ứng dụng IPM, công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại.

- Xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng, gieo sạ né rầy để hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xảy ra.

- Sau khi gieo sạ nếu rầy di trú vào ruộng thì đưa nước vào ngập “chảng ba” cây lúa để hạn chế rầy nâu chích hút và đẻ trứng.

- Hạn chế phun thuốc trừ sâu sớm trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển cây lúa, nhất là đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh sinh vật gây hại bộc phát ở giai đoạn sau.

* Một số lưu ý:

Đối với một số vùng có tập quán xuống giống lúa Thu Đông trễ so với khung thời vụ của tỉnh, cần kết thúc việc gieo sạ trước ngày 31/8/2023.

Tùy theo tình hình rầy nâu di trú vào đèn và tình hình thực tế về thời tiết, thủy văn của từng vùng; các địa phương theo dõi và quyết định để bố trí lịch thời vụ phù hợp trên địa bàn quản lý.

 Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết và sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chỉ đạo sản xuất phù hợp tại địa phương nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh góp phần sản xuất vụ lúa Thu Đông 2023 đạt kết quả cao.

 4. Giống lúa

- Khuyến cáo bà con nông dân sử dụng hạt lúa giống cấp xác nhận trở lên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở cung cấp giống uy tín.

- Về cơ cấu giống: Sử dụng một số giống có khả năng chống chịu trong điều kiện bất lợi do thời thiết ở vụ Thu Đông, có thể xem xét lựa chọn các giống lúa chất lượng cao như: OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900.

5. Công tác tuyên truyền và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật sản xuất

- Tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân về việc tuân thủ lịch thời vụ được ngành chuyên môn địa phương hướng dẫn và sử dụng hạt lúa giống cấp xác nhận trở lên.

- Tăng cường vận động nông dân áp dụng cơ giới hóa đồng bộ như san phẳng đồng ruộng, áp dụng thiết bị hoặc máy sạ hàng và máy cấy, … để giảm lượng giống gieo sạ.

- Tổ chức triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả trên địa bàn như: 3 Giảm 3 Tăng, 1 Phải 5 Giảm, SRP, IPM, sản xuất an toàn, 

- Hưỡng dẫn kỹ thuật để nông dân áp dụng nhằm giảm giá thành sản xuất thông qua giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật hoá học được sử dụng, ...Khuyễn khích sử dụng các dạng phân Ure chậm tan để hạn chế thất thoát đạm.

- Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh. Chú ý đối với vụ Thu đông 2023, bổ sung phân bón có chứa canxi và silic giúp cây lúa cứng cây, chống chịu tốt với điều kiện mưa bão.

- Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, bón phân cân đối, quản lý nước tưới tiêu hợp lý, áp dụng kỹ thuật ngập – khô xen kẻ… Qua đó khuyến khích người dân ứng dụng kỹ thuật mới vào trong sản xuất, nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất, đảm bảo năng suất và tăng thu nhập.

          III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Chỉ đạo các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật cần chú ý trong vụ Thu đông 2023.

          - Chỉ đạo viên chức thăm đồng, tập huấn kỹ thuật, tư vấn cho nông dân trong việc phòng trừ sinh vật gây hại.

- Thực hiện công tác dự tính dự báo tình hình sinh vật gây hại và thông tin kịp thời, chính xác đến người dân về các biện pháp kỹ thuật bảo vệ sản xuất thông qua các phương thức như: Kết hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang, các đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố, cổng thông tin điện tử, ...  

- Theo dõi cập nhật và thông tin các diễn biến thời tiết bất thường như: mưa bão đầu vụ, cuối vụ để có đề xuất biện pháp hỗ trợ khắc phục, tránh thiệt hại nặng đến năng suất lúa.

- Chủ trì tổng hợp báo cáo tình hình sản xuất trong vụ lúa Thu đông 2023.

2. Chi cục Thủy lợi

- Tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, tu bổ các công trình thủy lợi, vận hành hợp lý, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất.

- Thường xuyên theo dõi và phối hợp thông tin diễn biến thời tiết, mực nước lũ, triều cường, nguồn nước để thông tin kịp thời đến cơ quan chuyên môn, địa phương, người sản xuất lúa chủ động có giải pháp ứng phó.

- Dự phòng xây dựng các phương án, tổ chức thực hiện ứng phó với bão lụt, ngập úng, khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp

- Chỉ đạo viên chức cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống theo lịch né rầy của ngành nông nghiệp khuyến cáo.

- Tăng cường triển khai và phối hợp thực hiện các chương trình, dự án, mô hình sản xuất tiên tiến bảo vệ sản xuất và giảm chi phí đầu tư.

4. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố

- Căn cứ nội dung kế hoạch này và điều kiện sản xuất cụ thể tại địa phương, xây dựng Kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông 2023 phù hợp, đảm bảo việc sản xuất đạt hiệu quả cao.

- Triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, hiệu quả, ứng dụng KHKT giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm.

- Thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất và báo cáo định kỳ, đột xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chỉ đạo, giải quyết vướng mắc, khó khăn (nếu có).

5. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp địa phương tuyên truyền lịch xuống giống, sử dụng giống, vệ sinh đồng ruộng theo đúng yêu cầu kỹ thuật trước gieo sạ.

Thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện sinh vật gây hại, triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân về biện pháp quản lý, phòng trị kịp thời, hiệu quả.

- Tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, sản xuất theo các quy chuẩn an toàn kỹ thuật để đánh giá, đề xuất nhân rộng mô hình hiệu quả.

  - Chỉ đạo, phân công cán bộ Trồng trọt và BVTV tại cấp huyện, cấp xã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ công tác, bám sát địa bàn và báo cáo định kỳ, đột xuất thông qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.         

     Trên đây là Kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông 2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, bổ sung, chỉ đạo kịp thời./.

(Đính kèm Kế hoạch số: 69/KH-SNNPTNT ngày 21/6/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang)

 
 
Lê Minh Chiến
Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Hậu Giang

Tập tin đính kèm

  286_KE-HOACH-SX-vu-TD-2023-ok.pdf
 
 
 

 

Bình luận