Tác nhân nào gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM?

Bình luận · 232 Lượt xem

Kết quả giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp xác định, Coxsackievirus A24 (86%) là tác nhân chính gây ra đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TP.HCM.

Viêm kết mạc xuất huyết

Trong bối cảnh số ca đau mắt đỏ có xu hướng tăng gần đây, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động tìm tác nhân gây bệnh để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

 

Kết quả giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp đã xác định Coxsackievirus A24 (86%), human Adenovirus 54 (11%) và human Adenovirus 37 (3%) là những tác nhân gây ra gây đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TP.HCM. Viêm kết mạc xuất huyết là biểu hiện chủ yếu trong đợt bùng phát mắt đỏ hiện nay tại TP.HCM.

 

Trong tất cả 6 mẫu dương tính enterovirus đều cho kết quả là Coxsackievirus A24; trong số 5 mẫu dương tính với adenovirus phát hiện 4 mẫu là human Adenovirus 54 (hAdV-54) và 1 mẫu là human Adenovirus 37 (hAdV-37).

 

Theo số liệu từ các nghiên cứu trước đây, các adenovirus cũng như Coxsackie A24 và Entero 70 là các biến thể được phát hiện ở các trường hợp gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên thế giới. 

 

Trong quá khứ, Coxsackie A24 và EV70 đã gây các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới. Trận dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Từ đó, ghi nhận dịch viêm kết mạc xuất huyết đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Tại châu Á, Coxsackie A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch tại các nước khác. Trong trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại Okinawa, Nhật Bản năm 2011 biến thể Coxsackievirus A24 là tác nhân chính, trong đó có 25,4% trường hợp có xuất huyết dưới kết mạc, 10.3% có viêm giác mạc chấm nông và 7.8% có nổi hạch sau tai (Clinical Ophthalmology, 9:, 1085-1092).

 

Phòng khám tuân thủ quy định đơn thuốc trị đau mắt đỏ

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong bối cảnh số ca đau mắt đỏ có xu hướng tăng gần đây, Sở đã nhận được phản ánh một số phòng khám trên địa bàn kê toa thuốc ngoại trú chưa bảo đảm. Trước tình hình trên, ngày 18-9, Sở Y tế TP.HCM có văn bản đề nghị các bệnh viện công lập, ngoài công lập; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC); phòng y tế, trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức đảm bảo tuân thủ phác đồ điều trị viêm kết mạc (đau mắt đỏ) trên địa bàn thành phố.

 

Các chuyên gia Mắt khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.

 

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo tuân thủ quy định đơn thuốc về việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh về mắt của Bộ Y tế.

 

Đặc biệt, khi chẩn đoán, điều trị và kê toa thuốc bệnh viêm kết mạc lưu ý trong việc chỉ định sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hoặc corticoid; phát hiện các triệu chứng chẩn đoán sớm và các dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng để điều trị kịp thời và tránh tình trạng diễn biến nặng.

 

Song song đó, tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở. Lưu ý, tránh lây nhiễm chéo giữa người bệnh với nhau trong quá trình khám, chữa bệnh; đảm bảo nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh viêm kết mạc.

 

Mặt khác, tổng hợp các dấu hiệu phát hiện sớm chuyển nặng của bệnh viêm kết mạc nhằm tư vấn kỹ người bệnh, người thân và đưa vào lời dặn trong đơn thuốc ngoại trú giúp người bệnh chủ động theo dõi tại nhà.

 

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu HCDC tăng cường các hoạt động phòng bệnh đau mắt đỏ tại nơi làm việc và phối hợp cùng Bệnh viện Mắt, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố thu thập, gửi mẫu bệnh phẩm đến Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để xác định nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc.

 

Phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý. Tránh để bệnh phát sinh dịch bệnh từ các cơ sở giáo dục, mầm non, giữ trẻ chưa dược địa phương quản lý và tại các khu vui chơi trẻ em trên địa bàn.

 

Phòng bệnh

Hiện nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng không chỉ tại TP.HCM mà còn ở một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng. Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm khuẩn hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Đau mắt đỏ thường xảy ra ở địa bàn lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sinh hoạt.

 

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Đến nay, chưa có vacxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

 

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

 

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

 

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Bình luận