Thanh toán bệnh lở mồm long móng [Bài 6]: Khoanh vùng virus và lựa chọn vacxin tương thích

Bình luận · 72 Lượt xem

Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chỉ ra rằng, để phòng, chống bệnh lở mồm long móng hiệu quả, cần khoanh vùng virus và chọn vacxin tương thích, bảo hộ cao.

Tập đoàn Dabaco Việt Nam lựa chọn sử dụng vacxin Aftogen Oleo type O tiêm phòng cho toàn bộ đàn lợn của doanh nghiệp. Ảnh: Phương Thảo.

Tập đoàn Dabaco Việt Nam lựa chọn sử dụng vacxin Aftogen Oleo type O tiêm phòng cho toàn bộ đàn lợn của doanh nghiệp. Ảnh: Phương Thảo.

Không phát sinh dịch FMD từ 2017 tới nay

Lở mồm long móng (FMD) là bệnh đặc biệt nguy hiểm, gây dịch trên gia súc có bộ móng guốc chẵn là lợn, trâu, bò. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn từng bị bùng phát dịch bệnh này đã đúc kết được những kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh này.

Ông Lê Quốc Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển chăn nuôi lợn Dabaco (Tập đoàn Dabaco Việt Nam) cho biết, vật nuôi mắc bệnh lở mồm long móng sẽ có nguy cơ lây lan nhiều bệnh khác đi kèm sốt, sút cân, giảm ăn, gây thiệt hại kinh tế.

Trước năm 2010,  đàn lợn nuôi của Dabaco đã từng xảy ra dịch lở mồm long móng, nhưng sau khi quyết định thay đổi và chọn tiêm đúng vacxin có khả năng bảo hộ cao, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn.

“Từ năm 2014 - 2017, Dabaco sử dụng một loại vacxin nhập khẩu từ châu Âu, nhưng vẫn có tỷ lệ dịch lở mồm long móng bùng phát trên một số trại. Năm 2017, doanh nghiệp chuyển sang tiêm vacxin Aftogen Oleo O1 Campos của Argentina và nhận thấy vacxin bảo hộ rất tốt. Từ thời điểm đó đến nay, Dabaco chưa phát hiện bất cứ ca dịch lở mồm long móng trên đàn lợn”, ông Đoàn chia sẻ.

Theo ông Đoàn, cũng giống như một số bệnh truyền nhiễm khác, tiêu chuẩn an toàn sinh học của bệnh lở mồm long móng cần phải kết hợp tốt với vacxin để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả cao.

Hầu hết các bệnh do virus đều không chữa được, nhưng thường những bệnh gây tổn thương biểu bì nếu kiểm soát tốt, một thời gian bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, hệ quả là gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, cả đàn chậm lớn, nhiều con sức đề kháng yếu đi đẫn tới bị nhiễm thêm các bệnh khác.

Chuẩn bị vacxin phòng bệnh lở mồm long móng tiêm cho trại lợn nái tại Tập đoàn Dabaco. Ảnh. Phương Thảo.

Chuẩn bị vacxin phòng bệnh lở mồm long móng tiêm cho trại lợn nái tại Tập đoàn Dabaco. Ảnh. Phương Thảo.

Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống dịch trong sử dụng vacxin Aftogen Oleo type O, ông Lê Quốc Đoàn cho biết, đối với lợn thịt, Dabaco đang áp dụng tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất tiềm vào lúc 4 tuần tuổi sau khi cai sữa. Mũi thứ hai tiêm vào 8 - 10 tuần, tùy theo tình hình dịch tễ và quy định của các mũi vacxin khác.

Đối với lợn nái, Dabaco quy định 4 tháng tiêm một lần, song song với đó là tiêm lợn đực để đạt bảo hộ tuyệt đối. Sau khi tiêm vacxin, Công ty tiến hành lấy mẫu và đánh giá kháng thể đều cho kết quả đạt hiệu quả kiểm soát dịch bệnh tốt.

Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển chăn nuôi lợn Dabaco cho biết thêm, hiện Việt Nam có hai nguồn vacxin trị dịch bệnh lở mồm long móng xuất xứ từ châu Âu và Argentina. Từ thực tế sử dụng cả hai loại trong phòng ngừa dịch bệnh lở mồm long móng, Dabaco nhận thấy, vacxin Aftogen Oleo gần như bảo hộ được tuyệt đối đối với đàn lợn của công ty.

Nhìn rộng ra kinh nghiệm từ khu vực, ông Đoàn cho rằng, bài học kinh nghiệm thanh toán bệnh lở mồm long móng của Đài Loan nếu áp dụng ở Việt Nam sẽ đạt hiệu quả phòng bệnh 100% khi phân lập được chủng virus và sản xuất được vacxin theo đúng chủng đó. Tuy nhiên, đặc điểm địa lý của Việt Nam gặp thách thức hơn vì có sự giao thoa giữa các nước láng giềng, các vùng miền, không chỉ là một đảo biệt lập như Đài Loan.

“Trong bối cảnh, nước nào còn dịch lở mồm long móng là thách thức lớn để xuất khẩu thịt lợn, việc chọn được một loại vacxin mang lại khả năng bảo hộ cao là yếu tố quan trọng. Trong 6 năm qua, vacxin Aftogen Oleo mang lại hiệu quả ổn định, yên tâm cao đối với trang trại chăn nuôi lợn của Dabaco”, ông Lê Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Công ty Japfa Confeed Việt Nam tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng cho lợn thịt. Ảnh: Phương Thảo.

Công ty Japfa Confeed Việt Nam tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng cho lợn thịt. Ảnh: Phương Thảo.

Quan trọng nhất tìm được vacxin tối ưu

Ông Nguyễn Trọng Cường, Quản lý Thú y và An toàn dịch bệnh, Bộ phận Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển giống lợn Công ty Japfa Comfeed miền Bắc cũng có chung quan điểm phòng, chống dịch lở mồm long móng quan trọng nhất là tìm được vacxin tối ưu.

Theo ông Cường, bệnh lở mồm long móng trên lợn được Japfa xác định là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, mạnh cho nhiều loài vật nuôi.

Trong quá khứ, năm 2018, dịch lở mồm long móng từng xảy ra tại một trại của Japfa Comfeed. Ngay lập tức, Japfa khoanh vùng khu vực phát sinh bệnh, tiêu hủy sớm các con phát bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, cách ly các khu vực và tiêm phòng vacxin cho tổng đàn. Nhờ phát hiện sớm nên Công ty thiệt hại không đáng kể.

Trong hệ thống an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh lở mồm long móng nói riêng, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam chủ động chia mô hình trang trại ra các vòng an toàn sinh học, xác định mối nguy cơ mầm bệnh bênh ngoài có thể xâm nhập vào trại để kiểm soát vệ sinh, sát trùng.

Tương tự Tập đoàn Dabaco Việt Nam, hiện Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cũng sử dụng vacxin lở mồm long móng Aftogen Oleo type O để phòng bệnh lở mồm long móng cho toàn hệ thống trại lợn của doanh nghiệp, bởi hiệu quả đạt đáp ứng miễn dịch và bảo hộ tốt.

Để phòng, chống bệnh lở mồm long móng hiệu quả, ông Nguyễn Trọng Cường kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y có chương trình điều tra các chủng gây bệnh lưu hành theo vùng, miền, trên các đối tượng vật nuôi.

Công ty Japfa Comfeed Việt Nam tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng cho lợn nái. Ảnh: Phương Thảo.

Công ty Japfa Comfeed Việt Nam tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng cho lợn nái. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Cường cũng đề xuất giải trình tự gen các chủng virus lưu hành ngoài thực địa và chủng trong vacxin, để khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp có trang trại trên địa bàn hiểu được và sử dụng vacxin tương tích, hiệu quả bảo hộ cao nhất.

Công ty Japfa Comfeed Việt Nam cũng kiến nghị Cục Thú y có chương trình kiểm tra, đánh giá việc tiêm phòng vacxin lở mồm long móng trên các đối tượng vật nuôi và đánh giá theo vùng miền.

Một trong các yếu tố quan trọng nhất trong phòng chống loại dịch bệnh lở mồm long móng được ông Nguyễn Trọng Cường nhấn mạnh là các loại vật nuôi dễ nhiễm lở mồm long móng phải được giám sát, tiêm phòng vacxin đầy đủ.

Trong thời gian tới, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao kỹ thuật công nghệ, khống chế các loại dịch bệnh: Lở mồm long móng, dịch tả lợn… từ đó cải thiện năng suất, chất lượng thịt lợn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm, thường xảy ra ở các loài guốc chẵn như trâu, bò, dê, cừu, lợn… với đặc trưng là lợn xuất hiện các mụn nước ở miệng, mũi, chân và đầu vú. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, mạnh, tuy có tỷ lệ chết thấp nhưng gây hậu quả nặng nề như: Giảm tăng trọng, sảy thai, giảm sản lượng sữa.

Để thanh toán dứt điểm bệnh lở mồm long móng, Chính phủ ban hành Quyết định Số:1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 về việc phê duyệt “Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025” trong đó có việc hỗ trợ cung cấp vacxin lở mồm long móng miễn phí từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Bình luận