Cơ giới hóa tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Bình luận · 88 Lượt xem

Hiện nay, cơ giới hóa (CGH) được áp dụng hầu hết các khâu trong sản xuất các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, sắn; các loại rau an toàn, cây ăn quả; các trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng khoa học - công nghệ để xử lý ch?

Trên cánh đồng sản xuất rau màu tập trung xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), các công đoạn thu hoạch sản phẩm đều được doanh nghiệp, người dân đầu tư các loại máy móc hiện đại... Ông Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Diện tích sản xuất các loại cây trồng như bí đỏ, khoai tây, đậu tương rau... đều được tưới thông qua hệ thống tưới nước tự động có nhiều ưu điểm như hạn chế chi phí thuê nhân công, nước được tưới theo dạng hạt nước nhỏ, được phun đều từ lá đến thân, gốc cây để thấm sâu trong đất, cây trồng thường xuyên đủ ẩm, hạn chế sâu bệnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đã đầu tư xây dựng kho lạnh, thiết bị sấy lạnh để bảo quản nông sản. Nhờ đó, mặc dù diện tích sản xuất lớn, sản lượng nhiều song chất lượng sản phẩm nông sản luôn bảo đảm theo tiêu chuẩn của các đơn vị liên kết”.

Tại xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), dịch vụ “Phòng trừ dịch hại bảo vệ thực vật bằng công nghệ cao” phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị máy bay không người lái không còn xa lạ với người dân, bởi HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thắng đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này cho người dân qua nhiều vụ sản xuất. Ông Lê Học Được, người dân xã Hoằng Thắng cho biết: “Khi phun, thuốc bảo vệ thực vật sẽ được tách ra thành những hạt mịn nhỏ và phun đều lên các bộ phận của cây trồng, công nghệ phun li tâm giúp cho việc tiếp xúc mặt dưới lá hiệu quả hơn, giúp giảm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; năng suất cao gấp 30 lần so với phun thủ công, giảm thất thoát 30% thuốc, tiết kiệm nước đến 90%. Từ đó, giúp người dân chủ động được thời gian phun thuốc với khả năng phun thuốc ban đêm, có thể phun trên diện tích rộng, địa hình phức tạp và trên nhiều loại cây trồng”.

Là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, huyện Thọ Xuân đã nhân rộng diện tích trồng rau màu các loại, cây ăn quả, cây mía theo hướng công nghệ cao; tỷ lệ CGH khâu làm đất đạt 100% diện tích; thu hoạch lúa bằng máy gặt đạt 90% diện tích; 30% trong sản xuất cây ngô; 100% trong khâu vận chuyển. Trong lĩnh vực chăn nuôi, có 85% các trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng khoa học - công nghệ để xử lý chất thải trong chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm men vi sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; 90% các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô chuồng kín hiện đại; ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ trang trại chăn nuôi gà xã Trường Xuân cho biết: “Sử dụng các loại máy móc hiện đại trong trang trại như máng ăn, núm uống nước tự động, máy ấp trứng, công nghệ để xử lý chất thải... giúp tôi tiết kiệm chi phí thuê nhân công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế được dịch bệnh”.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 94.135 máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp các loại. Tỷ lệ áp dụng CGH các khâu trong sản xuất các cây trồng chính, như: Cây lúa, tỷ lệ làm đất 98%, gieo trồng 22%, thu hoạch 82%, vận chuyển 79%; cây ngô, tỷ lệ làm đất 88%, gieo trồng 7%, thu hoạch 16%, vận chuyển 84%... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2.860ha diện tích rau an toàn, cây ăn quả và vùng mía thâm canh được ứng dụng, chuyển giao công nghệ tưới nước tiết kiệm. Bên cạnh đó, đầu tư các loại máy móc tiên tiến, như: Máy bay bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cấy, máy lên luống, máy gieo hạt...

Trong chăn nuôi, đã áp dụng 100% máy vắt sữa bò, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đầu tư ứng dụng công nghệ chuồng nuôi khép kín, sử dụng hệ thống máng ăn, núm uống nước tự động, máy ấp trứng, chuồng kín hiện đại... Các hộ nuôi trồng thủy sản cũng đã mạnh dạn đầu tư sử dụng hệ thống máy quạt nước, máy sủi ô-xy trong các ao nuôi; ứng dụng công nghệ camera kiểm soát...

Việc chú trọng đẩy mạnh áp dụng CGH bước đầu tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Không chỉ bảo đảm kịp thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian,... việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật, hệ thống máy móc đã giúp người dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy sản xuất, góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10 - 15%. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc áp dụng CGH đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần hoàn thiện hạ tầng giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước; thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Bình luận