Xây dựng chuỗi giá trị nông sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp

Bình luận · 266 Lượt xem

BẾN TRE Đến 6/2023, toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác (THT), 71 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như dừa, cây ăn trái, hoa kiểng, heo, bò và tôm.

Đến nay, tỉnh Bến Tre có 32 tổ hợp tác (THT), 30 hợp tác xã (HTX) tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô 9.332,49 ha và 6.853 thành viên. Ảnh: Kiều Nhi.

Đến nay, tỉnh Bến Tre có 32 tổ hợp tác (THT), 30 hợp tác xã (HTX) tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô 9.332,49 ha và 6.853 thành viên. Ảnh: Kiều Nhi.

Thời gian qua, thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp các sở, ngành tỉnh và địa phương ở Bến Tre đã thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiểu và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.

Đặc biệt, qua chương trình xây dựng nông thôn mới, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức triển khai, quán triệt các nội dung cơ bản về việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 – 2025 thông qua các buổi sinh hoạt ở địa phương.

Từ đó, nông dân hiểu và đồng tình về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xem đây là xu thế sản xuất nông nghiệp phù hợp để nông dân chuyển tư duy sản xuất truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp.

Dừa là cây trồng có diện tích lớn nhất của tỉnh Bến Tre. Trong xây dựng chuỗi giá trị cây dừa, có 32 THT, 30 HTX tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô 9.332,49 ha và 6.853 thành viên.

Tại HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú) hiện có 192 thành viên chuyên canh dừa. Thời gian qua, HTX đã liên kết với Công ty Dừa Lương Quới để vận động bà con nông dân sản xuất dừa hữu cơ. Đến nay, đã có 150 ha dừa của HTX được chứng nhận hữu cơ.

Theo ông Phan Lê Tùng, Giám đốc HTX cho hay: “Dừa hữu cơ được doanh nghiệp thu mua giá cao hơn thị trường từ 15-20%. Hiện giá dừa móc tại vườn nông dân cộng và thêm tiền hỗ trợ của doanh nghiệp là 63.000 đồng/12 trái. Bà con rất phấn khởi đang xin tham gia dừa hữu cơ thêm 15ha nữa”.

Đối với ngành hàng trái cây, tỉnh đã tập trung xây dựng chuỗi giá trị trên 5 loại trái cây chủ lực: bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, nhãn và xoài. Trong đó, bưởi da xanh là mặt hàng có nhiều lợi thế của tỉnh Bến Tre, sản phẩm này đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Hiện nay, có 7 THT, 15 HTX (22 liên kết) tham gia liên kết đầu ra với doanh nghiệp. Sản lượng tiêu thụ bưởi khoảng 4.000 tấn/năm. Hình thành vùng sản xuất tập trung với diện tích 387,58 ha. Đã cấp 16 vùng trồng xuất khẩu bưởi da xanh (31 mã) tại Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc với diện tích 210,13 ha; 03 mã nội địa với diện tích 43,06 ha. Diện tích bưởi đạt chứng nhận VietGAP hiện tại: 357,93 ha, với 806 hộ tham gia.

Mới đây, tại buổi lễ ký bao tiêu bưởi da xanh giữa 4 doanh nghiệp với các HTX, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ, từ khi lô bưởi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ được tiêu thụ thành công doanh nghiệp nhận được sự phản hồi rất tích cực từ khách hàng. Người tiêu dùng Mỹ đánh giá cao bưởi da xanh của Việt Nam, đặc biệt là bưởi trồng ở Bến Tre.

Do đó, doanh nghiệp tự tin tìm đến các HTX đặt vấn đề liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn, ổn định lâu dài để hướng tới cạnh tranh tại thị trường quốc tế. “Nếu muốn phát triển thì cần bắt tay với nhau, sản xuất theo nhu cầu của thị trường”, bà Thu nhấn mạnh.

Tháng 4/2023, 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến trái cây đã ký kết liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh với các HTX ở Bến Tre. Ảnh: Kiều Nhi.

Tháng 4/2023, 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến trái cây đã ký kết liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh với các HTX ở Bến Tre. Ảnh: Kiều Nhi.

Bên cạnh đó, chuỗi giá trị chôm chôm hiện có 3 HTX và 22 THT tham gia liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích trên 348 ha. Chuỗi nhãn có 3 HTX gồm 260 thành viên với diện tích trên 98 ha, trong đó đã ký kết hợp đồng với 5 đơn vị đầu vào. Chuỗi xoài đã xây dựng được 2 liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, với tổng diện tích liên kết gần 55 ha, sản lượng liên kết khoảng 500 tấn/năm. Chuỗi sầu riêng đã xây dựng vùng sản xuất có 1 HTX và 2 THT tham gia liên kết với doanh nghiệp với tổng diện tích liên kết là hơn 208 ha, sản lượng liên kết trong năm khoảng 2.200 tấn.

Lĩnh vực cây giống - hoa kiểng là thế mạnh của Bến Tre, tập trung ở các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc và Châu Thành. Định hướng đến năm 2025 tỉnh phấn đấu huyện Chợ Lách sẽ là trung tâm cây giống hoa kiểng mang tầm quốc gia. Đến nay, có 13 HTX cây giống - hoa kiểng tham gia liên kết chuỗi giá trị, với diện tích 133,5 ha. HTX Hưng Khánh Trung A (huyện Mỏ Cày Bắc) chuyên sản xuất cây giống và hoa kiểng. Thế mạnh của HTX là cây sầu riêng.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Giám đốc HTX cho biết, thời gian qua HTX đã liên kết cung cấp vật tư đầu vào cho các thành viên, nhất là cung cấp phân bón đạt chất lượng cho cây con. Từ đó, giảm chi phí, hạ giá thành tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Sản phẩm được xuất khẩu đi các nước như: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Hiện nay, HTX có 121 thành viên tham gia, tăng 30 thành viên so với năm trước.

Lĩnh vực cây giống - hoa kiểng là thế mạnh của Bến Tre, hiện có 13 HTX tham gia chuỗi giá trị này. Ảnh: Kiều Nhi.

Lĩnh vực cây giống - hoa kiểng là thế mạnh của Bến Tre, hiện có 13 HTX tham gia chuỗi giá trị này. Ảnh: Kiều Nhi.

Ngoài ra, chuỗi giá trị heo đã duy trì hoạt động của 2 THT và 2 HTX với 134 hộ tham gia với khoảng 10.000 con. Chuỗi giá trị bò duy trì hoạt động của 1 THT và 3 HTX có 218 hộ tham gia với khoảng 1.600 con bò. Đặc biệt, trong xây dựng chuỗi giá trị con tôm, tỉnh tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Đến nay, đã phát triển 2.946 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Bến Tre đã thành lập 1 HTX nuôi tôm công nghệ cao tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại với 30 thành viên tham gia. Tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 4.000ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Để đạt mục tiêu này tỉnh tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng các liên kết trong vùng thông qua việc hỗ trợ vận động thành lập THT, HTX nuôi tôm công nghệ cao.

Mới đây, tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy mô 300ha tại huyện Bình Đại. Hội nghị đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến tham dự và đề xuất các giải pháp hợp tác, đầu tư.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú đã đề xuất nhiều giải pháp để liên kết với bà con nuôi tôm địa phương. Cụ thể, doanh nghiệp này đưa ra giải pháp: Minh Phú sẽ thành lập Công ty cổ phần hạ tầng hoặc HTX nuôi tôm công nghệ cao Bình Đại Bến Tre để người dân có thể góp vốn tham gia.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bến Tre tham quan mô hình sản xuất tôm công nghệ cao của nông dân Bến Tre. Ảnh: Kiều Nhi.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bến Tre tham quan mô hình sản xuất tôm công nghệ cao của nông dân Bến Tre. Ảnh: Kiều Nhi.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp Sở đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh chú trọng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị; chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; Chương trình Phát triển thủy sản; Kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao; Vận động người dân tập trung phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng nâng cao hiệu quả, đảm bảo môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bình luận