Ngành chức năng vào cuộc
Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định vừa tổ chức các đoàn giám sát xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao trên địa bàn. Qua giám sát, các hạn chế trong xây dựng NTM nâng cao của các địa phương được đoàn giám sát chỉ ra, đồng thời đoàn đề ra nhiều giải pháp giúp cho các xã thực hiện tốt hơn một số chỉ tiêu thuộc các tiêu chí chưa đạt.
Đoàn giám sát ghi nhận tại các xã đang xây dựng NTM nâng cao, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, thu gom bao bì, rác thải các loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được quan tâm. Việc phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình chưa được chú ý. Đoàn giám sát đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là tuân thủ việc phân loại rác thải tại nguồn. Để nâng cao nhận thức của người dân, các địa phương cần tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình phân loại, giảm thiểu rác sinh hoạt thải ra môi trường khi chưa được phân loại.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương xây dựng NTM nâng cao ở Bình Định đều đang “nợ” tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) và tiêu chí chất lượng môi trường sống (tiêu chí số 18). Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Bình Định), trong thời gian qua, đơn vị này đã hướng dẫn, tập huấn rất kỹ về các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí mới này, xây dựng một số mô hình điểm để lan tỏa, nhưng kết quả đạt được chưa được như kỳ vọng.
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Định, hiện nay công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương trong tỉnh có những bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra thực tế, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM và NTM nâng cao, nhiều địa phương vẫn còn “nợ” tiêu chí môi trường do việc thực hiện các chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường còn gặp nhiều trở ngại.
“Do đó, Sở TN-MT phối hợp Sở NN-PTNT Bình Định và các ngành liên quan cùng các địa phương, đặc biệt là các xã, huyện trong lộ trình thực hiện xây dựng NTM, NTM nâng cao thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong công tác môi trường cho cán bộ, người dân cùng thực hiện. Mục tiêu là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cùng thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh”, bà Hà Thị Thanh Hương chia sẻ.
Khắp nơi nỗ lực cải thiện tiêu chí môi trường
Năm 2023, trên địa bàn Bình Ðịnh có 3 xã đăng ký về đích NTM, 7 xã về đích NTM nâng cao. Văn phòng Ðiều phối xây dựng NTM mới Bình Định đã cùng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Bình Định) phối hợp với các địa phương nỗ lực thực hiện để đảm bảo các tiêu chí môi trường, đáp ứng yêu cầu theo Bộ tiêu chí quốc gia trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.
Tại huyện Tây Sơn, sau khi triển khai thành công mô hình tái chế rác thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất ở xã Bình Tường, xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, ngành chức năng của huyện Tây Sơn tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Còn ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn), địa phương đăng ký về đích NTM mới năm 2023 tập trung nguồn lực xây dựng công trình vệ sinh nông thôn, tái chế và phân loại rác, xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh.
Xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) thì tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhằm thay đổi thói quen, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Bên cạnh đó, với sự tham gia của 100 hộ, xã Phước Hưng còn xây dựng mô hình “Vườn xanh-phân loại xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn” ở thôn Biểu Chánh.
“Để đảm bảo thực hiện đúng 19/19 tiêu chí NTM, huyện Hoài Ân còn bố trí kinh phí lắp đặt 24 camera an ninh giám sát bảo vệ môi trường; thực hiện cam kết bảo vệ môi trường ở các khu dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân chia sẻ.