Thăng trầm với đông trùng hạ thảo
Ông Nguyễn Xuân Quang được biết đến là một trong những người sớm bén duyên với nấm đông trùng hạ thảo ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Năm 2013, nhận thấy đông trùng hạ thảo là dược liệu quý, có thể phát triển trong phòng thí nghiệm, nhà xưởng nên ông Quang bắt tay vào đầu tư, sản xuất.
“Lúc bấy giờ, kỹ thuật sản xuất nấm đã được thực hiện khoa học và giá trị dược liệu trong sản phẩm cũng đạt đến 70% so với nấm đông trùng hạ thảo tự nhiên. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường vô cùng khó khăn do người dùng vẫn chủ yếu sử dụng nấm tự nhiên, đặc biệt là đông trùng hạ thảo nguyên con từ Tây Tạng (Trung Quốc)”, ông Nguyễn Xuân Quang kể.
Khó khăn trong phát triển thị trường khiến việc sản xuất đông trùng hạ thảo của gia đình ông Quang bị gián đoạn trong nhiều năm liền. Đến năm 2019, nhận thấy thị trường có sự chuyển biến nên gia đình ông Quang đã cùng một số người hùn vốn để tái đầu tư, thành lập Công ty TNHH Thiên Hương Phát Đà Lạt và tiến hành mở rộng quy mô sản xuất tại cơ sở ở đường Võ Trường Toản, phường 8, TP Đà Lạt.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, hiện nay, cơ sở sản xuất được xây dựng bài bản trên quy mô 1.000m2 với nhiều trang thiết bị hiện đại. Tại đây, việc sản xuất nấm được thực hiện theo quy trình mới và trải qua nhiều công đoạn với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.
Về cách sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, ông Quang cho biết: “Chúng tôi sử dụng gạo lứt và nhiều thành phần khác để tạo giá thể trồng nấm. Giá thể đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được chuyển qua công đoạn cấy giống và chuyển vào ủ tơ. Sau khi ủ tơ, nấm đông trùng hạ thảo được chuyển qua kích sáng, lưu trồng và cuối cùng là thu hoạch, chế biến. Ở mỗi quy trình, để nấm phát triển tốt, đội ngũ nhân viên sản xuất phải theo dõi sát về nhiệt độ, độ ẩm cũng như tuân thủ quy định về thời gian cho từng công đoạn”.
Theo chủ cơ sở sản xuất, trong điều kiện tốt, người sản xuất có thể thu hoạch nấm đông trùng hạ thảo sau 90 ngày. Bà Nguyễn Thị Hương (người đồng sáng lập Công ty TNHH Thiên Hương Phát Đà Lạt) cho biết, hiện nay đơn vị đang tổ chức sản xuất, chế biến và cho ra thị trường các dòng sản phẩm gồm nấm đông trùng hạ thảo tươi và khô, sản phẩm trà đông trùng hạ thảo, mật ong đông trùng hạ thảo, cốm và nhiều sản phẩm chế biến khác.
Cùng với đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đơn vị cũng sản xuất sản phẩm rượu ngâm đông trùng hạ thảo. Đối với dòng sản phẩm này, đơn vị tổ chức nuôi, cấy nấm trực tiếp vào chai thuỷ tinh, sau đó chiết xuất rượu, cho vào ngâm theo yêu cầu khách hàng. Một loại rượu đông trùng hạ thảo khác được doanh nghiệp tổ chức ngâm, ủ, đóng chai, đóng gói theo nhiều hình thức và phân phối ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Đông trùng hạ thảo nhộng tằm 100 triệu đồng/kg
Gần đây, để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cơ sở sản xuất ông Nguyễn Xuân Quang đã bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo nhộng tằm. Theo đó, doanh nghiệp này liên kết với một số hộ trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nguồn nhộng nguyên liệu cho sản xuất. Anh Lương Lê Quốc Chí, kỹ thuật viên của Công ty cho biết, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo nhộng tằm phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đầu vào. Do vậy, đơn vị phải tổ chức tuyển chọn nhộng tỉ mỉ trước khi đưa vào cấy nấm.
“Thông thường, trong 100 con nhộng chúng tôi chỉ chọn được khoảng 70 con đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Những con được chọn phải đảm bảo to, khỏe và đặc biệt không được quá non hay quá già”, anh Lương Lê Quốc Chí nói và cho biết thêm, ở quá trình cấy phôi nấm, nhộng phải đảm bảo được độ khô ráo nhất định. Sau khi cấy giống, nhộng được chuyển vào phòng ủ tối trong thời gian từ 7 - 10 ngày.
Ở công đoạn này, người sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thời gian, nhiệt độ, độ ẩm và phải kiểm tra thường xuyên để nắm bắt sự sinh trường. Trong thời gian ủ tối, nếu phát hiện nhộng bị bể, bục nước, nhộng không tương thích thì bắt buộc loại bỏ.
Đối với sản phẩm đông trùng hạ thảo nhộng tằm, quy trình sản xuất kéo dài trong thời gian từ 90 - 120 ngày. Sau thời gian này, sản phẩm đạt chất lượng sẽ được doanh nghiệp tuyển chọn, chuyển qua khâu sơ chế, chế biến và phân phối ra thị trường.
Nói về giá trị dược liệu, ông Nguyễn Xuân Quang cho biết, sản phẩm đông trùng hạ thảo nhộng tằm đạt 70% so với nấm đông trùng hạ thảo nguyên con ở môi trường tự nhiên. Do vậy, sản phẩm này được xếp vào hàng cao cấp nhất với mức giá bán ra thị trường từ 80 - 100 triệu đồng/kg khô.