Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh hiến kế cho Thủ đô phát triển du lịch nông nghiệp

Bình luận · 217 Lượt xem

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh là người trăn trở về du lịch nông nghiệp và đi tiên phong khi mở ra Trang trại Đồng Quê hơn 10 năm trước ở huyện Ba Vì, Hà Nội.

Thường Tín, Thanh Trì, Mỹ Đức

Trang trại Đồng Quê là nơi tiến sĩ Ngô Kiều Oanh thể nghiệm những ý tưởng về du lịch kết hợp với nông nghiệp, văn hóa bản địa, cảnh quan thiên nhiên đã thu được những thành công và có nhiều khách đến tham quan.

 

Mới đây, bà cũng là thành viên đoàn khảo sát thực hiện kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 04/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Sau khi tìm hiểu thực tế, bà đã làm một bản báo cáo cụ thể trong đó tập trung vào giải pháp đặc biệt là hướng đi chính có thể phát triển lâu dài trong tương lai.

 

NNVN xin trích đăng lại: Thứ nhất, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín có điều kiện thuận lợi: Đã thành hình làng sinh vật cảnh với bố trí hạ tầng tương đối đẹp mắt, có trung tâm giao dịch, hội họp do các thành viên hợp tác xã đóng góp xây dựng trở thành điểm đến du lịch sinh vật cảnh. Bộ máy chính trị vào cuộc quyết liệt, bền bỉ suốt từ năm 2004 đến nay. Khó khăn: Chưa trở thành mũi kinh tế chính cho xã; Bắt đầu lúng túng về sản phẩm cốt lõi là sinh vật cảnh nên chuyển hướng sang chợ đêm với các hàng hóa không liên quan gì tới sinh vật cảnh như đồ nhựa, quần áo…Chưa có sự liên kết sản phẩm cốt lõi là sinh vật cảnh với các sản phẩm khác; Chưa có quy hoạch rõ ràng về các mảng sinh vật cảnh như cây, hoa, cá…

 

Giải pháp: Cần tập trung xây dựng làng sinh vật cảnh trở thành một nơi tổ chức được các sự kiện về sinh vật cảnh thường xuyên như triển lãm, thi địa phương hoặc quốc gia, chợ đầu mối tập hợp cả các sản phẩm của các địa phương khác trên toàn quốc. Các hội thảo quốc tế về sinh vật cảnh. Là nơi đào tạo, tập huấn về nghệ thuật sinh vật cảnh Việt Nam.

 

Là mô hình điểm về phát triển kinh tế sinh vật cảnh cho Hội sinh vật cảnh Việt Nam gắn với thị trường du lịch Hà Nội. Đề xuất UBND thành phố xây dựng hạ tầng điểm đến Hồng Vân như đã xây dựng cho các làng Bát Tràng, Vạn Phúc. Công việc tiếp theo, cần có những đợt khảo sát tiếp theo để xác định được quy trình xây dựng mô hình một cách xác thực cho Hồng Vân với các chuyên gia chuyên sâu như chiến lược, kiến trúc cảnh quan, lịch sử, sinh vật cảnh….

 

Thứ hai, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, hiện tại không trở thành điểm đến về du lịch làng nghề tơ tằm vì chỉ có một gia đình nghệ nhân tơ sen. Các sản phẩm dệt chính là khăn mặt làm từ các máy dệt cơ khí hiện đại. Cảnh quan không gian trong làng đơn điệu, đường đi lối lại khó khăn…Đề xuất, do Mỹ Đức là một huyện có khu di tích lễ hội chùa Hương mỗi năm thu hút hàng triệu khách du lịch với thời gian rất dài (3 tháng), đậy thực sự là một sản phẩm du lịch tâm linh làm sản phẩm cốt lõi cho việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Cần tiếp tục khảo sát trên nên tảng quy hoạch toàn huyện các phân khu cho các sản phẩm du lịch khác gắn kết với thương hiệu lễ hội Chùa Hương.

 

Thứ ba, trang trại Vạn An, huyện Thanh Trì, hiện lấy tên là trang trại Giáo dục đã xây dựng và hoạt động từ năm 2004 trong khuôn viên của trang trại, chưa liên kết với các cộng đồng nông nghiệp xung quanh. Do xây dựng trên đất nông nghiệp nên việc phát triển mở rộng cho các hoạt động dịch vụ du lịch như lưu trú đang gặp khó khăn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đề xuất, cần xác định rõ ràng về hoạt động cốt lõi là nông nghiệp công nghệ cao và các đối tượng đến với trang trại về mục tiêu giáo dục. Cần xác định chỗ đứng trong mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn của huyện Thanh Trì với sự liên kết các cộng đồng cư dân nông nghiệp và các làng nghề của huyện Thanh Trì.

 

Đan Phượng, Sơn Tây và Thạch Thất

Thứ tư, 3 trang trại ở huyện Đan Phượng, chưa có các điều kiện cho việc xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Các lãnh đạo huyện và cả 3 trang trại đều chưa nắm rõ về các hoạt động của mô hình du lịch nông nghiệp. Đề xuất, huyện Đan Phượng cần xây dựng một trung tâm điều hành để liên kết các tài nguyên du lịch hiện có trên địa bàn huyện như du lịch trang trại, du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái. Cần có các chuyến khảo sát tiếp tục để đưa ra các giải pháp cụ thể và các quy trình liên kết các nguồn lực xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn mà huyện đề xuất vùng bãi sông Hồng mới có dư địa phát triển trong tương lai.

 

Thứ năm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Thuận lợi: Là một điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Hà Nội với tên là làng Việt cổ đá ong Đường Lâm – Tinh hoa của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Có lượng du khách hàng năm khá lớn. Đã xác định được 1 số sản vật nông nghiệp cốt lõi như gà Mía, kẹo lạc, đồ gỗ lưu niệm, các món ăn như thịt lợn quay đòn…Đã có sự đầu tư rất lớn từ thành phố Hà Nội suốt nhiều năm qua để trở thành điểm đến về văn hóa kiến trúc làng cổ.

 

Bất cập, là một làng thuần nông nhưng cư dân nông nghiệp chưa thực sự hưởng lợi ích từ du lịch đã tỏ ra bất mãn về việc phân chia lợi ích. Chưa có quy hoạch về sản xuất nông nghiệp ra các sản vật phục vụ du lịch. Không có sự gắn kết cộng đồng cho mục tiêu phát triển kinh tế du lịch là mũi nhọn cho xã Đường Lâm. Chưa có quy hoạch mang tính pháp lý về 3 không gian sản xuất, cư trú, dịch vụ thương mại để bảo vệ làng cổ. Chưa kiên quyết trong việc ngăn chặn phát triển các khu mộ tràn lan dầy đặc trên các ruộng bao quanh xã, nên sẽ là một sự phản cảm rất lớn cho du khách khi đến Đường Lâm. Cơ chế đất di dời dân cư không phù hợp với thực tiễn nên các nhà hiện đại đang xâm lấn ngay trong khu vực lõi bảo tồn làng cổ Đường Lâm. Chưa có tổng chỉ huy về mặt quản lý vĩ mô cấp huyện cho Đường Lâm.

 

Giải pháp, cần có quyết tâm chính trị thông qua việc kiện toàn sớm Ban điều hành đề án bảo tồn và phát triển làng cổ Đường Lâm theo kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Đứng đầu thích hợp nhất là Bí thư thị xã Sơn Tây. Ưu tiên đầu tư xây dựng làng du lịch nông nghiệp nông thôn thông minh Đường Lâm để đưa ra được gói giải pháp gồm 3 thành tố: tư vấn sinh kế, kiến trúc chỉnh trang và hương ước nông thôn để liên kết tập hợp nguồn lực và phát huy sức mạnh nội sinh, chia sẻ lợi ích minh bạch rõ ràng đến từng người dân của xã khi tham gia vào xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với nông thôn mới.

 

Thứ sáu, trang trại hữu cơ Hoa Viên, huyện Thạch Thất. Thuận lợi: Đã hình thành một trang trại trồng rau hữu cơ được chứng nhận quốc tế trên rất nhiều sản phẩm rau. Hạ tầng sản xuất rau được đầu tư bài bản. Khó khăn: Chưa đủ điều kiện để trở thành một điểm du lịch trải nghiệm nông nghiệp về tính an toàn, mĩ quan nông nghiệp chưa hấp dẫn du khách, chưa có cơ sở vật chất để đón tiếp du khách. Chưa nối kết cộng đồng cư dân nông nghiệp xung quanh trang trại. Cơ chế chuyển đổi đất đai sang việc xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ du lịch như lưu trú sẽ rất khó khăn. Giải pháp: Nên trở thành một điểm tập huấn về nông nghiệp hữu cơ cho các nông hộ xung quanh để phát triển thành một vùng hàng hóa rau hữu cơ Thạch Thất cung cấp cho thị trường Thủ Đô.

 

Về tổng quát, cả 6 huyện đều đã nêu ra các tài nguyên liên quan tới việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, nặng về phần danh mục. Chưa hiểu sâu sắc về bản chất của sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn. Lúng túng về quy hoạch, quy trình thực hiện vì chưa xây dựng được Bộ tiêu chí tiêu chuẩn để thực hiện.

Bình luận