Theo ông Bùi Sỹ Kiểm, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn - Bình Định, cây nha đam từ lâu đã thân thuộc với nông dân An Nhơn. Thế nhưng cây trồng này chỉ được trồng manh mún với giống nha đam sẻ (giống địa phương) để tự cung tự cấp chứ chưa trồng thành vùng hàng hóa với diện tích lớn.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chế Biến thực phẩm Kaizen đã xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ nha đam tại An Nhơn. Để xây dựng vùng nguyên liệu, công ty đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn triển khai mô hình trồng nha đam giống mới nhập về từ Thái Lan để nhân rộng.
Cây nha đam thích hợp với nắng nóng và rất kỵ úng. Tại mô hình, 10.000 cây nha đam được trồng trên diện tích 4 sào đất (500m2/sào) ở xã Nhơn Mỹ. Sau 3 tháng trồng, cây nha đam đang đà phát triển, cho thấy phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Cây nha đam phù hợp nhất trên đất cát pha, tiếp đến là đất thịt, đất phù sa, đất đỏ bazan... “Thời tiết ở Bình Định, trong đó có An Nhơn thường có mưa dầm nên trồng nha đam trên luống là an toàn nhất, bởi khi trời mưa nước sẽ rút nhanh, không bị úng”, ông Bùi Sẽ Kiểm cho hay.
Tham quan mô hình 10.000 cây nha đam của anh Phạm Chí Linh (sinh năm 1993) ở xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn) được hơn 3 tháng tuổi, chúng tôi thấy cây nha đam đang bắt đầu phát triển, mỗi cây ra được 7 - 8 lá. Những lá nha đam bắt đầu phát triển chiều dài, chiều ngang và độ dày.
Ông Bùi Sỹ Kiểm cho biết, giống nha đam sẻ bà con trồng trước đây lá vừa ngắn vừa mỏng thịt, bề ngang của lá hẹp nên cho năng suất rất thấp. Nha đam sẻ phải 18 - 20 lá mới được 1kg. Trong khi giống nha đam Thái Lan rất dày thịt, dài, rộng, lá to phải tới 1kg/lá, lá nhỏ cũng 7 - 8 lạng/lá.
Theo anh Phạm Chí Linh, giống nha đam Thái Lan do Công ty Cổ phần Chế Biến thực phẩm Kaizen cung cấp với giá 5.000 đồng/cây. Tham gia mô hình, anh Linh được Trung tâm Dịch vụ An Nhơn hỗ trợ 50% chi phí mua giống. Trước khi trồng, anh cày tơi đất, vun luống cao 20 - 40cm, rộng 1,5 - 2m; phủ bạt lên luống, khoét lỗ để trồng cây giống với mật độ cây cách cây 30cm, hàng cách hàng 70 - 80cm.
Trên diện tích trồng nha đam, anh Linh bố trí 2 hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun béc. Lúc cây nha đam còn nhỏ anh sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để kết hợp bón phân theo hệ thống tưới. Khi nha đam lớn, anh sử dụng hệ thống tưới phun béc. Anh Linh bón phân cho nha đam theo công thức: 1 bình nước 18 lít pha vào 6 - 9kg phân NPK và tưới qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Trước khi xuống giống, anh Linh bón lót vôi, phân hữu cơ đã hoai mục để bổ sung dinh dưỡng cho đất.
MH (tổng hợp)