Biến những vật nuôi bản địa thành đặc sản giá trị kinh tế cao

Bình luận · 228 Lượt xem

Lợn đen vùng cao, ngỗng Côn Lôn, vịt bầu Minh Hương… là những giống vật nuôi bản địa đang được nhân rộng tổng đàn, mang lại giá trị kinh tế cho nông dân Tuyên Quang.

 

Hỗ trợ nông dân làm giàu từ vật nuôi bản địa

Việt Nam có những giống vật nuôi thế giới mơ ước

 

Thịt mềm, ngọt, thơm ngon mà không có mùi hôi nên ngỗng Côn Lôn ở huyện Na Hang là giống vật nuôi bản địa đã được nhiều người biết đến. Nhất là khi đường giao thông thuận tiện, thương lái từ miền xuôi vượt hơn 100km lên xã Côn Lôn đi về trong ngày được thì con ngỗng nơi đây đang dần được nuôi thương phẩm, trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ các nhà hàng, khách sạn.

 

Gia đình anh Nguyễn Quảng Bé ở thôn Trung Mường là hộ nuôi nhiều ngỗng nhất ở xã Côn Lôn, huyện Na Hang. Anh Bé cho biết, con ngỗng ở quê mình có đặc điểm cổ ngắn, chân nhỏ, được chăn thả ở suối với nguồn thức ăn là cua, ốc, rong rêu nên cho chất lượng thịt nạc, chắc, ngọt và có vị thơm riêng biệt.

 

Đây là con ngỗng vật nuôi bản địa được người Tày ở Côn Lôn nuôi từ đời này nối sang đời khác. Trước đây người dân Côn Lôn thường nuôi một vài con ngỗng để trông nhà. Khi nhà thực sự có việc lớn mới mổ ngỗng để ăn, hoặc bán đi lấy tiền.

 

Sau này khi kinh tế phát triển, nhiều thương lái tìm đến xã hỏi mua ngỗng Côn Lôn để bán cho các nhà hàng ở miền xuôi anh Bé và các hộ dân bắt đầu nghĩ đến chuyện nuôi ngỗng thương phẩm. Hiện tại gia đình anh nuôi 50 con ngỗng. Ngỗng nuôi 6 tháng đạt trọng lượng khoảng 4,5 đến 5kg là xuất bán, với giá bán 140.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh thu về gần 50 triệu đồng.  

 

Theo anh Bé, so với chăn nuôi lợn, chăn nuôi ngỗng vật nuôi bản địa hiệu quả hơn nhiều vì vốn đầu tư ít, không tốn tiền mua thức ăn nhưng để nuôi thành công ngoài việc chịu khó học tập kinh nghiệm, cần phải chú trọng cách chăm sóc, phòng bệnh nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

 

Giống vịt bầu ở xã Minh Hương, huyện Hàm Yên được đánh giá là ngon số một ở Tuyên Quang. Đây là giống vật nuôi bản địa, được nuôi thả tự nhiên từ nguồn nước suối của cánh rừng đặc dụng Cham Chu và ăn thức ăn của núi rừng.

 

Những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chương trình chính sách bảo tồn giống vật nuôi bản địa và nhân rộng tổng đàn. Do đó, năm 2020 vịt bầu Minh Hương đã được công nhận đạt 3 sao OCOP và trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nơi đây.

 

Hiện nay, tổng đàn vịt bầu Minh Hương được nuôi tại các xã Minh Hương, Bình Xa, Tân Thành, Phù Lưu với tổng đàn lên đến 71.400 con, sản lượng thịt xuất chuồng hàng năm đạt 130 tấn. Riêng tại xã Minh Hương là 45.000 con, tổng sản lượng thịt xuất chuồng trên 81 tấn/năm. HTX Vịt bầu Minh Hương cũng đã thực hiện liên kết chăn nuôi, thu mua sơ chế và tiêu thụ hết sản phẩm cho người dân trên địa bàn.

 

Anh Phạm Văn Thi ở thôn 13, Minh Quang, xã Minh Hương cho biết, hiện nay trang trại của gia đình anh nuôi hơn 2.000 con vịt bầu Minh Hương. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán 2 lứa, mỗi lứa khoảng 200 con vịt bầu Minh Hương. Ngoài các nhà hàng tại Tuyên Quang, vịt của anh đã đến được các nhà hàng ở Phú Thọ, Hà Nội. Trừ chi phí từ nuôi vịt mỗi năm anh Quang thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

 

Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang có nhiều giống vật nuôi bản địa cho nguồn gen quý, chất lượng thịt thơm ngon. Như lợn đen, trâu ngố, vịt bầu Minh Hương, ngỗng Côn Lôn… Tuy nhiên các giống vật nuôi bản địa này đều ở các thôn bản, tập quán canh tác, chăn nuôi của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao.

 

Nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát của nông dân, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn, giúp đỡ người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cải tạo đàn vật nuôi bản địa đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác chọn giống, thức ăn, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc nuôi dưỡng theo hướng an toàn sinh học.

 

Đảm bảo vệ sinh môi trường đem lại lợi ích kinh tế, đảm bảo sức khỏe cho người dân và hướng tới phát triển chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, gia trại.

 

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai 477 mô hình về lĩnh vực chăn nuôi, một số mô hình đã được nhân rộng và mang lại hiệu quả bền vững cho người nông dân. Một số sản phẩm đã được công nhận đạt sao OCOP như Vịt bầu Minh Hương, huyện Hàm Yên được công nhận 3 sao OCOP, thịt chua lợn đen Thanh Tương, huyện Na Hang được công nhận 3 sao OCOP; thịt trâu Bình An, huyện Lâm Bình được công nhận đạt 3 sao OCOP…

Bình luận