Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2023

Bình luận · 216 Lượt xem

Ngày Môi trường Thế giới 05 tháng 6 năm 2023 được UNEP phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).


Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2023

Từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.

Tại Hội nghị về Con người và Môi trường tại thủ đô Stockholm ở Thuỵ Điển diễn ra từ ngày 05 - 06/6/1972, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã quyết định chọn ngày 05/6 kể từ năm 1972 là Ngày môi trường thế giới. Sự kiện này được giao cho Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) có trụ sở tại Kenya tổ chức. Sau khi được phát động, đã có 143 quốc gia hưởng ứng và tham gia vào sự kiện này. Đây là kết quả đầu tiên đánh dấu những nỗ lực của toàn thể nhân loại về việc giải quyết các vấn đề môi trường nóng bỏng thời điểm đó.

Ngày Môi trường Thế giới có ý nghĩa lớn đối với môi trường sống của con người trên toàn thế giới. Đây chính là sự kiện giúp cả thế giới cùng nhau khơi lại nguồn cảm hứng, thúc đẩy tư tưởng và hướng về môi trường sống, cùng nhau chung tay thực hiện các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường.

Mỗi năm sẽ có mỗi thông điệp chính thức khác nhau về ngày Môi trường Thế giới do Tổng thư ký LHQ quyết định và được thông tin đến các quốc gia và người dân trên toàn thế giới. Thông điệp ấy sẽ bao gồm định hướng về các vấn đề môi trường và bảo vệ không gian xanh được đưa ra để tất cả các quốc gia đều đồng lòng ký kết thực hiện.

Góp mặt tham gia từ năm 1982, Việt Nam cũng đã hưởng ứng rất tích cực ngày hội lớn của thế giới này. Nhờ đó, nước ta có nhiều hoạt động ý nghĩa để toàn dân tham gia hưởng ứng, chung sức bảo vệ môi trường xanh. Đến nay, nước ta đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Ngày Môi trường Thế giới 05 tháng 6 năm 2023 được UNEP phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).

Theo đánh giá của UNEP, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương.

Những năm qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Vì vậy, chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Tháng hành động vì môi trường, nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham gia và tổ chức nhiều hoạt động như: Mít tinh, hội thảo, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.....

Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ có nhiều hoạt động để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường như: Hội thảo, treo pano, áp phích, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng... với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa trong ngành nông nghiệp”. Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản số 3534/BNN-KHCN ngày 31/5/2023 gửi Các đơn vị trực thuộc Bộ; Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023. Căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, Bộ đề nghị các đơn vị thực hiện các hoạt động sau:

1. Triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) theo hướng dẫn tại công văn số 3556/BTNMT-TTTT ngày 19/5/2023 và công văn số 3290/BTNMT-TTTT ngày 11/5/2023 (gửi kèm theo).

2. Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích từ các vật liệu có tính thân thiện với môi trường) tại trụ sở cơ quan và địa điểm phù hợp; tổ chức các hoạt động mít tinh, phong trào hưởng ứng, phát động chiến dịch chung tay giảm thiểu chất thải nhựa

3. Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản về phòng chống rác thải nhựa; giới thiệu các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung, chủ đề về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ưu tiên vận dụng công nghệ số để đa dạng hình thức truyền thông như phát thanh, truyền hình, báo chí, trang tin điện tử…

4. Triển khai Chỉ thị số 9729/CT-BNN-KHCN ngày 17/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; và Chỉ thị số 7804/CT-BNN-KHCN ngày 10/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp; Quyết định 2711/QĐ-BNN-KHCN ngày 18/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa ngành nông nghiệp; Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/2/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030.

5. Phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với những hoạt động trên, Bộ NN&PTNT kêu gọi toàn bộ các bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành, các tổ chức, các nhân có hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng hành động chung tay hưởng ứng ngày môi trường thế giới năm 2023./.

Hồng Ngân

Bình luận