Lễ phát động hưởng ứng Ngày Hữu cơ Việt Nam 19/9
Sử dụng sản phẩm hữu cơ là xu thế tất yếu
Đây là chuỗi sự kiện hướng tới các doanh nghiệp đang tham gia sản xuất hữu cơ, giúp họ có cơ hội tìm kiếm các đối tác tiềm năng về dịch vụ và vật tư đầu vào, kết nối với các khách hàng phân phối, bán lẻ và xuất khẩu cũng như chia sẻ những khó khăn vướng mắc với chính quyền và cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng hướng đến nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về phân biệt, nhận biết sản phẩm hữu cơ và tạo cơ hội cho người tiêu dùng biết đến những sản phẩm hữu cơ chất lượng.
TS Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, Ngày Hữu cơ Việt Nam là cơ hội tốt để tôn vinh, kết nối, truyền thông và trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong cả nước và các tổ chức quốc tế.
Theo ông Mịch, sản phẩm hữu cơ được sản xuất theo nguyên tắc không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học; không thuốc diệt cỏ; không chất kích thích tăng trưởng; không sử dụng sinh vật biến đổi gen (GMO).
"Sản phẩm hữu cơ an toàn, tốt cho sức khỏe của chúng ta. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngày càng tiến đến sử dụng sản phẩm hữu cơ và đây là xu thế tất yếu của người tiêu dùng VIệt Nam cũng như thế giới. Có thể nói, giai đoạn hiện nay là thời cơ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ”, TS Hà Phúc Mịch đánh giá.
Hiện tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ (tính đến hết năm 2021) của nước ta mới chỉ khoảng 119.000ha, chiếm 0,5% tổng diện tích đất nông nghiệp.
Trong Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ 2020 - 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã đề ra mục tiêu 2,5 - 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp là sản xuất hữu cơ; giá trị gia tăng của các sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thông thường là 1,5 – 1,8 lần.
Nông dân khó 'tự bơi' khi làm nông nghiệp hữu cơ
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp, canh tác hữu cơ góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển nền nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu và cần được nhân rộng.
Về thực trạng sản xuất hữu cơ trên địa bàn TP.HCM hiện nay, ông Hiệp cho biết vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định do diện tích đất sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa.
Vì vậy trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, đánh giá điều kiện sản xuất, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện của Thành phố.
Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hữu cơ, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Vận động các doanh nghiệp tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quản lý chặt về chất lượng nông sản trên thị trường...
"Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ tại TP.HCM. Hi vọng sản xuất hữu cơ ngày một lớn mạnh và vững chắc không chỉ tại TP.HCM mà còn lan tỏa trên phạm vi cả nước", Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp nói.
Nông nghiệp hữu cơ bắt đầu hình thành và phát triển tại Việt Nam từ khoảng 20 năm trở lại đây. Đến nay, cả nước đã có 7.310 nông dân đang tham gia sản xuất hữu cơ và 60 đơn vị kinh doanh - phân phối, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Hiện Việt Nam đứng thứ 7 trong các nước châu Á về diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ và thứ 3 trong các nước ASEAN.
Tuy nhiên, những con số này còn rất khiêm tốn so với quy mô và tiềm năng thị trường. Kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam mới đạt trên 335 triệu USD/năm, trong khi đó giá trị thị trường nông sản - thực phẩm hữu cơ thế giới năm 2022 là khoảng 183 tỉ USD, dự kiến đạt khoảng 546 tỉ USD vào năm 2032.
Tại thị trường trong nước, cùng với việc chất lượng đời sống cũng như nhận thức của người dân được nâng cao, nhu cầu với thực phẩm hữu cơ cũng sẽ ngày càng gia tăng.
Nông nghiệp hữu cơ có rất nhiều tiềm năng cũng như dư địa thị trường để phát triển. Tuy nhiên, hiện tại mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn yếu, nông dân muốn tham gia sản xuất hữu cơ không biết phải bắt đầu từ đâu.
Mặt khác, chi phí đầu tư để sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao hơn nhiều so với nông nghiệp thông thường, các vật tư đầu vào còn hạn chế, kiến thức kỹ thuật về canh tác còn chưa phổ biến. Nếu không có doanh nghiệp tham gia chia sẻ chi phí, hỗ trợ kỹ thuật và giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm, nông dân sẽ rất khó tự mình trang trải.
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động hỗ trợ, đào tạo, tư vấn, kết nối và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức chung, hướng đến một cộng đồng hữu cơ ngày càng vững mạnh, tăng cường gắn kết cũng như đảm bảo tính minh bạch nhằm giữ niềm tin của người tiêu dùng.
Dịp này, Sở NN-PTNT TP.HCM và Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam đã ký kết biên bản hợp tác để phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.
Chuỗi sự kiện Ngày Hữu cơ Việt Nam (19/9) diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM gồm nhiều hoạt động như: Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ phía Nam - Việt Nam; Hội thảo phân biệt và nhận diện sản phẩm hữu cơ.
Ngoài ra còn có các gian hàng trưng bày sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tự nhiên. Đây là các sản phẩm hữu cơ được sản xuất, chế biến tại Việt Nam có chứng nhận hữu cơ (còn thời hạn) như TCVN, PGS, USDA, JAS...