Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có một tuần trải nghiệm triết lý nông nghiệp du lịch của hòn đảo xinh đẹp này.
Đài Loan quan niệm, làm nông không chỉ cung cấp sản phẩm tốt cho con người mà phải tốt cho cả cây trồng, vật nuôi, môi trường và coi đó là triết lý nông nghiệp lương thiện.
Hiệp hội của những người làm nông nghiệp thực thụ
Cơ quan đang hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho triết lý nông nghiệp lương thiện chính là Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan và Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan.
Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan hiện có trên 200 thành viên, tập hợp của những người đam mê và sống thực sự bằng nghề nông, làm du lịch trên chính mảnh đất đang sản xuất nông nghiệp của mình.
Những tập đoàn đa ngành nghề hay doanh nghiệp “tay ngang” chuyển sang làm nông nghiệp vì mục đích lợi nhuận hay vì lý do nào đó sẽ không thuộc tiêu chí kết nạp thành viên của Hiệp hội này.
Bà Khâu Tường Linh (Shiny), Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan chia sẻ, Đài Loan gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO trước Việt Nam vài năm.
Lường trước khó khăn nông dân sẽ đối diện khi phải cạnh tranh với những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giá rẻ, nông nghiệp công nghệ cao từ các thành viên của WTO khi các hàng rào thuế quan dần gỡ bỏ, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan và Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan đã tiến hành cuộc đại chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp tại hòn đảo này.
Theo đó, một loạt cơ chế, chính sách được Chính phủ, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan ban hành nhằm hỗ trợ nông dân chuyển dịch sang làm nông nghiệp theo 3 tiêu chuẩn, đó là nông nghiệp tiêu chuẩn an toàn, nông nghiệp lương thiện và cao nhất là nông nghiệp hữu cơ.
Để cổ vũ chủ trương này, bà Khâu Tường Linh cho biết, Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan đã đồng hành, hỗ trợ, kêu gọi các thành viên trong Hiệp hội “hữu cơ hóa các nông trại du lịch” và “du lịch hóa các nông trại hữu cơ”.
Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan với các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp kịp thời hỗ trợ các nông trại, trang trại và nông dân giải pháp, phương thức canh tác an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học cũng như áp dụng IPM và thiên địch trong phòng trừ sâu, bệnh hại.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan cũng thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, các chuyến tham quan, tập huấn trong nước và quốc tế giúp hội viên có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong hoạt động quản trị và phát triển nông nghiệp du lịch.
Sau khoảng một thập niên nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực từ phía Ủy ban Nông nghiệp về chính sách và giống, Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch về kỹ năng quản lý, quản trị, đến nay Đài Loan đã hình thành được hệ thống mạng lưới các nông trại du lịch hoạt động hiệu quả.
Các nông trại du lịch tại Đài Loan ngày nay ít phụ thuộc vào biến động của giá cả thị trường, bởi đa phần đầu ra của nông trại hướng tới bán cho du khách tới trải nghiệm tham quan, mua sắm thay vì chợ và siêu thị như truyền thống.
Mùa nào thức nấy
Chúng tôi được Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan dẫn tới thăm Nông trại Tân Phong (Shin Fong Farm) của ông Trần Hùng Vinh ở Tân Xã, TP Đài Trung, một người đã gia nhập Hiệp hội được 10 năm đúng mùa vụ cây tỳ bà và những quả đào bắt đầu chín bói.
Trên đường đi, chúng tôi rất ấn tượng với quy hoạch nông thôn Đài Loan ngay nay sạch đẹp không kém gì Nhật Bản. Căng mắt cũng không thấy rác hay vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng. Đặc biệt, trên khắp các vùng nông thôn hay thành thị ở Đài Loan nơi nào cũng rất nhiều chim hoang dã, du khách có thể nhìn thấy chim mọi lúc mọi nơi.
Sau khi giới thiệu đoàn du khách thưởng thức tất cả những loại nông sản, trái cây được Nông trại Tân Phòng sấy khô cũng như chế biến thành mứt, ông Trần Hùng Vinh dẫn chúng tôi ra thăm khu vườn trồng đào của gia đình.
Trên đường vào trang trại với hai bên là rất nhiều bẫy dính sắc màu và bẫy bả chua ngọt, xung quanh là những cánh rừng được gìn giữ, ông Trần Hùng Vinh chia sẻ, do Đài Loan quan hệ thương mại rất sôi động với Mỹ nên suốt thời gian dài, khi những lô táo Mỹ nhập về Đài Loan bị hỏng vứt ra ngoài môi trường đã vô tình làm phát tán loài ruồi đục quả và đến nay loài sinh vật gây hại này trở thành nổi ám ảnh với nông dân Đài Loan.
Chính vì vậy, ngoài sử dụng các loại thiên địch, bẫy bả để giảm bớt số lượng ruồi đục quả, ông Trần Hùng Vinh còn phải đầu tư khoản tiền rất lớn để quây nhà lưới toàn bộ khu vườn đào. Với một số loại trái cây khác, nông trại sử dụng các loại túi giấy bọc quả tránh bị ruồi đẻ trứng.
Ngoài việc chế biến sâu, sấy khô, sấy lạnh các sản phẩm từ nông trại để bán, ông Trần Hùng Vinh quy hoạch các vườn cây đa dạng nhiều loại cây ăn trái khác nhau rải đều vụ các tháng trong năm nhằm đảm bảo du khách bất cứ lúc nào tới trang trại cũng sẽ được tham quan và thưởng thức ít nhất một loại trái cây nào đó.
Ngay thời điểm chúng tôi tới, nông trại của ông Trần Hùng Vinh đã có sản phẩm quả tỳ bà được thu hoạch và chúng tôi đã được thưởng thức loại trái cây này ngay tại vườn.
Tuy nhiên, với vườn đào mới chín bói và vườn nho mới đậu quả ông Trần Hùng Vinh cương quyết không cho du khách hái, bởi ông quan niệm rằng: “Trái cây phải ăn khi chúng chín ở độ ngon nhất, nếu thu hái non sẽ vừa lãng phí, ăn không ngon mà lại làm mất hình ảnh, thương hiệu của Nông trại và Hiệp hội".
Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 3, du khách tới Nông trại Tân Phong của ông Trần Hùng Vinh sẽ được thưởng thức quả tỳ bà. Từ tháng 4 đến tháng 5 sẽ là mùa đào. Tháng 6 đến tháng 8 và tháng 9 đến tháng 11 sẽ là mùa nho. Cuối cùng là từ tháng 11 đến tháng 12 sẽ là mùa của các loại hồng.
Với phương châm làm nông nghiệp du lịch này, theo thống kê của Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan, mỗi năm Nông trại Tân Phong của ông Trần Hùng Vinh đón tới 40.000 du khách, trong đó rất nhiều du khách quốc tế.
Với 100 Đài tệ vé tham quan (78.000 VNĐ), mỗi du khách tới Nông trại Tân Phong sẽ được hái mang về 1,8 - 2kg đào hoặc các loại trái cây khác với số lượng tương ứng.
Nhân lên với số lượng khoảng 40.000 khách mỗi năm, đủ thấy ông Trần Hùng Vinh đã và đang sống rất tốt từ công việc làm nông trên chính mảnh đất trên quê hương.