Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật quản lý dinh dưỡng và dịch hại cây trồng

Bình luận · 278 Lượt xem

Ngày 1/11, Trường Đại học Cửu Long tổ chức tại tọa đàm 'Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý dinh dưỡng và dịch hại trên cây trồng'.

Tọa đàm “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý dinh dưỡng và dịch hại trên cây trồng” có sự tham gia của các diễn giả là nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp như Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc - Trưởng Bộ môn Nông học (Viện Cây ăn quả miền Nam), Thạc sĩ Hồ Thế Huy - Phó Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, TS Đoàn Vĩnh Phúc - Trường Đại học Cửu Long.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long phân tích vai trò của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý dịch hại trên cây trồng. Ảnh: Văn Dô.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long phân tích vai trò của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý dịch hại trên cây trồng. Ảnh: Văn Dô.

Tại toạ đàm, một số tham luận đã tập trung phân tích vai trò của việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý dịch hại trên cây trồng. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, giải pháp này giúp giảm được chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, ổn định và cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận trên một đơn vị canh tác. 

Về quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc đề xuất các giải pháp bao gồm kỹ thuật làm đất, sử dụng cây cố định đạm, phân xanh và kỹ thuật nông lâm kết hợp, sử dụng vi sinh vật trong quản lý dinh dưỡng cây trồng. Đồng thời, cần quan tâm các phương pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng chất kích kháng, luân canh và xen canh cây trồng, sử dụng hiệu quả và xử lý tàn dư thực vật và động vật, duy trì và cải thiện đa dạng sinh thái để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường…

Đề cập đến vấn đề canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sĩ Hồ Thế Huy cho rằng, xây dựng mô hình “canh tác lúa thông minh” nhằm mục tiêu tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân. Thời gian tới, cần nhân rộng mô hình này một cách có hệ thống và mở rộng sang các loại cây trồng khác như cà phê, cây ăn trái…

Tọa đàm cũng thảo luận các vấn đề hướng tới chuyển đổi "nông nghiệp xanh" ở Việt Nam, canh tác giảm phát thải, hướng tới tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu...

Tại tọa đàm, các chuyên gia nông nghiệp cũng giải đáp các câu hỏi của cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Nông Nghiệp của Trường Đại học Cửu Long về các vấn đề liên quan đến thực tiễn sản xuất nông nghiệp hiện nay...

Bình luận