Cần Thơ định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề

Bình luận · 98 Lượt xem

Trong thời gian vừa qua, từ thực tế cảnh sắc thiên nhiên vốn có, ngành du lịch Cần Thơ đang xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm phát huy tiềm năng du lịch nông nghiệp và làng nghề trên địa bàn.

 

Trong thời gian vừa qua, từ thực tế cảnh sắc thiên nhiên vốn có, ngành du lịch Cần Thơ đang xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm phát huy tiềm năng du lịch nông nghiệp và làng nghề trên địa bàn.

Theo đó, TP Cần Thơ đang triển khai đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó bên cạnh loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, Cần Thơ phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp đô thị và du lịch nông nghiệp công nghệ cao, nhằm kéo dài chuyến đi của du khách; xác định phát triển du lịch nông nghiệp tập trung ở Phong Ðiền, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt và định hướng mở rộng dần đến các vùng ven như Thới Lai, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh vào năm 2030.

 

Cụ thể, hai mô hình được chọn triển khai là du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan và lưu trú thí điểm tại Cần Thơ Farm và Bảo Gia Trang Viên.

 

UBND TP Cần Thơ cũng ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, trong đó xác định “đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới”.

 

Cụ thể, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch...

 

Ðể đạt mục tiêu, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc của thành phố, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn chất lượng cao; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững…

 

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cũng phối hợp, định hướng triển khai và hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương; tổ chức kết nối các chủ thể OCOP với các chủ thể hoạt động lĩnh vực du lịch hình thành một số điểm trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của Cần Thơ…

 

Riêng với các sản phẩm làng nghề, Cần Thơ đang triển khai xây dựng mô hình làng hoa kiểng, với Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ được chọn làm điểm, nhằm phục vụ du lịch, từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất: kết hợp sản xuất hoa truyền thống phục vụ hàng tháng và các dịp lễ Tết với đa dạng các chủng loại hoa, cây kiểng, cây xanh, thảm cỏ quanh năm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường đồng thời tăng khả năng liên kết nông hộ để phục vụ khách du lịch; triển khai dự án khoa học công nghệ “Hoàn thiện quy trình sản xuất bánh tráng cho làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ”, hỗ trợ các hộ tham gia hoàn thiện quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, định hướng xây dựng thương hiệu gắn với du lịch.

 

PV

Bình luận