Dè dặt vụ cúc Tết

Bình luận · 216 Lượt xem

Dự báo năm nay mưa dồn vào những tháng cuối năm nên người trồng hoa cúc Tết ở Bình Định đang vừa trồng vừa run.

Lo cúc ế vì kinh tế khó khăn

Anh Đặng Văn Thảo (55 tuổi) ở tổ 2, khu vực Liêm Trực, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã có 30 năm trồng cúc bán vào những dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Năm nay, dù lo lắng kinh tế đang khó khăn, người tiêu dùng sẽ “thắt lưng buộc bụng” nên anh Thảo chỉ trồng 300 chậu cúc để bán Tết.

 

“Lo thì lo vậy, nhưng nghề trồng hoa cúc bán Tết mình theo đã gần 30 năm nay, giờ cứ đến vụ là xuống giống rồi mong cho thị trường hanh thông để kiếm ít tiền cho gia đình ăn Tết. 3 năm gần đây Tết năm nào người trồng cúc cũng phấn khởi vì cúc bán chạy. Riêng Tết năm ngoái nhà vườn trúng to vì cúc bán sỉ cháy hàng, giá cao, nhưng thương lái mua về bán lẻ thì lỗ to vì sức mua của người dân hạn chế. Do đó năm nay tôi không dám trồng nhiều, chỉ trồng 300 chậu, trong đó có 200 chậu kích cỡ 50cm và 100 chậu 40cm”, anh Thảo chia sẻ.

 

Vừa cắm cọc phụ để giữ cho những cây cúc không bị mưa làm ngã, anh Thảo vừa cho biết, năm nay là năm nhuận nhưng không ảnh hưởng tới người trồng hoa cúc, bởi cúc chỉ cần trồng đủ tháng là ra hoa. Để tạo hình cho chậu cúc có hình chiếc nón, cành hoa bung rộng hút mắt người mua, ngay từ khi cây cúc còn nhỏ người trồng đã phải cắt ngọn những cây cúc nằm ở giữa chậu (cao hơn những cây cúc nằm xung quanh vành chậu) để cây cúc cao dần từ trong ra ngoài, tạo nên hình nón. Những cây cúc được ngắt ngọn nhiều lần theo cách ấy khi xuất bán chậu cúc sẽ xòe cành, khoe hoa trông rất bắt mắt.

 

“Cúc chỉ chịu nắng chứ không ưa mưa, mưa dầm kéo dài rễ cây sẽ bị yếu, sinh bệnh. Mới mưa mấy ngày nay mà cúc của tôi đã có nhiều chậu rũ lá, phải để riêng những chậu cúc ấy ra để chăm sóc chế độ riêng. Những cây này phải tăng cường thuốc kích rễ, tích cực điều trị bệnh lở cổ rễ mới mong hồi phục”, anh Đặng Văn Thảo cho hay.

Nơm nớp sợ mưa muộn

Trên bãi đất trống nằm cạnh Cụm công nghiệp phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định), năm nay, ông Trần Hữu Văn (sinh năm 1961) trồng đến 1.000 chậu cúc phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó có 100 chậu có kích cỡ 80cm - 1m, 300 chậu 60 - 70cm, còn lại là chậu 50cm. Bên cạnh đó, ông Văn còn trồng 300 chậu cúc mâm xôi cỡ nhỏ để có thu nhập trả chi phí nhân công bấm ngọn, cắm cọc.

 

Ông Văn cho biết, với hơn 30 năm trồng cúc, ông đã hình thành được mạng lưới bạn hàng khắp cả nước, số lượng và kích cỡ những chậu cúc ông trồng là làm theo đơn đặt hàng của bạn hàng nên không lo về đầu ra, giá cả thì theo thị trường. Giờ ông Văn chỉ lo chăm sóc làm sao để những chậu cúc cho hoa đều, đẹp và nhất là ra hoa đúng thời điểm để bạn hàng tiêu thụ hết trong dịp Tết.

 

Những ngày qua mưa dồn dập, những chậu cúc đã có vẻ “buồn buồn” nên ông Văn phải ngâm phân để chiều tưới. Thời tiết ở Bình Định năm nay nắng nóng kéo dài, đến giữa tháng 9 âm lịch mới có những cơn mưa đầu mùa, lại mưa rất to.

 

Theo dõi dự báo thời tiết, ông Văn được biết năm nay lượng mưa cũng như mọi năm nhưng có khả năng dồn vào tháng 11 (dương lịch) nên mưa sẽ rất lớn và kéo dài, đây là điều kiện bất lợi trong quá trình cây cúc sinh trưởng, phát triển.

 

 

“Trồng cúc phải theo dõi dự báo thời tiết liên tục, nếu dự báo ngày mai mưa thì hôm nay phải bơm thuốc phòng để cúc không bị rụng lá. Năm nay dự báo mưa lớn và kéo dài trong những tháng cuối năm, tôi lo những chậu cúc sẽ bị tuột hết lá chân.

 

Chậu cúc mà trống lá chân sẽ rất khó bán, cành lá phải dày kín chậu mới hút mắt người tiêu dùng. Mưa kéo dài thì chủ nhà vườn cũng không thể bơm thuốc vì lá cúc không khô thì bơm thuốc cũng như không”, ông Trần Hữu Văn lo lắng.

 

 

Vũ Đình Thung

 

Bình luận