Tại sự kiện gặp gỡ 50 doanh nghiệp đầu tư ESG 2023 vừa diễn ra tại TP HCM với chủ đề "Biến đổi khí hậu và những tác động ngày càng mạnh mẽ của vấn đề này đến kinh tế, xã hội, môi trường", các doanh nghiệp đều nhất trí rằng, việc thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện hành động để giảm phát thải nhà kính là cần thiết để hướng tới tương lai bền vững cho thế hệ mai sau.
Là doanh nghiệp hàng đầu về thực phẩm, Nestlé Việt Nam tập trung vào các nhóm giải pháp về giảm khí thải nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng, cũng như thực hiện vai trò thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương thức canh tác nông nghiệp bền vững. Qua đó, xây dựng hệ thống thực phẩm tái sinh, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực bền vững, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường sinh kế và đa dạng sinh học.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, để tăng năng suất cây trồng, nông dân đã sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu một cách không kiểm soát, ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất trồng. Nếu tiếp tục phương thức canh tác này, có thể sẽ không còn thực phẩm cho các thế hệ tương lai.
"Chúng tôi khuyến khích nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh, phương thức dựa trên chất lượng đất và cây trồng. Chúng tôi tin rằng, phương thức này có thể giúp bảo vệ được hành tinh của chúng ta”, ông Binu Jacob nhấn mạnh.
Mục tiêu của nông nghiệp tái sinh là hướng đến giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Chất lượng đất trồng tốt hơn sẽ tăng khả năng chống chọi với những tác động của biến đổi khí hậu, giúp tăng năng suất và cải thiện thu nhập và sinh kế cho nông dân và giúp tăng khả năng hấp thụ khí CO2.
Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Nescafé Plan, một chương trình phát triển bền vững triển khai từ năm 2011.
Trong đó, các thực hành nông nghiệp tái sinh đang được Nestlé Việt Nam chia sẻ đến người nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên, chủ yếu kết hợp đồng thời 5 giải pháp gồm: trồng xen canh hợp lý, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, tiết kiệm nước, đa dạng sinh học và cải thiện chất lượng đất trồng.
Sau 12 năm thực hiện, chương trình Nescafé Plan đã hỗ trợ hơn 21.000 nông hộ tại Tây Nguyên tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C.
Triển khai tập huấn về canh tác cà phê bền vững cho hơn 330.000 lượt nông dân, phân phối hơn 63,5 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao.
Qua đó, giúp người nông dân tiết kiệm được 40% nước tưới, giảm 20% lượng phân bón, 20% chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng.