Sẵn sàng nguồn cung thực phẩm Tết: [Bài 1] Hà Nội không thiếu gia cầm

Bình luận · 47 Lượt xem

Các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn đang khẩn trương áp dụng đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn cung cho Tết.

Thay đổi cách nuôi, đón lõng thị trường

Để nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất sau bão số 3 và đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán, các thành viên HTX Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì (Hà Nội) đang tích cực áp dụng đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, nuôi gối; kết nối bạn hàng để tạo đầu ra thuận lợi, nâng cao thu nhập.  

Ông Chu Văn Nguyên, thôn Thụy Phiêu, xã Thụy An, nuôi 5.000 gà Mía lai ri cho biết, trung bình hàng năm gia đình xuất bán ra thị trường 1 vạn gà. Năm nay do tác động của bão số 3, hoàn lưu sau bão nên chuồng nuôi bị hư hại 1 phần và chết 200 con gà 2 tháng tuổi.

Khi thời tiết ổn định, gia đình đã khẩn trương tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi, chăm sóc số gà còn lại. Những con có biểu hiện mắc bệnh CRD (hen gà) do thời tiết, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng thay đổi đột ngột được bắt tách, áp dụng chế độ chăm sóc riêng, đồng thời vào thêm đàn để nuôi gối, bù đắp số gà thiệt hại. Hiện tại, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến có thể xuất bán toàn bộ trước, trong và sau Tết.

Theo ông Nguyên, rút kinh nghiệm năm trước giá gà thịt lên cao rất nhanh, sau đó liên tục hạ thấp khiến hoạt động chăn nuôi nhiều phen lao đao. Năm nay, gia đình đã chủ động tăng số lượng gà mái trong đàn để vừa bán trứng, lấy giống, vừa có thể bán thịt, lấy ngắn nuôi dài, giảm áp lực tiêu thụ tập trung vào cùng 1 thời điểm.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ đang tích cực chăm sóc đàn gà, sẵn sàng xuất bán vào dịp Tết. Ảnh: Trần Yến.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ đang tích cực chăm sóc đàn gà, sẵn sàng xuất bán vào dịp Tết. Ảnh: Trần Yến.

Cụ thể, gia đình áp dụng cách nuôi theo tỷ lệ 1 trống 9 mái. Gà trống chọn những con có chất lượng tốt nhất làm giống. Gà mái nuôi tới 5 tháng sẽ lọc bỏ những con kém đẻ bán gà thịt, tập trung chăm sóc những con khỏe mạnh, mắn đẻ để lấy trứng giống và bán trứng thương phẩm.

Đàn gà đẻ nuôi tới 8-9 tháng sẽ được chuyển sang bán gà thịt (theo cách gọi của người dân địa phương là bán gà già) với giá giao động từ 100.000-110.000 đồng/kg (loại gà này hiện rất được thị trường ưa chuộng).

“Nuôi gà đẻ theo phân khúc thời gian sẽ giúp gia đình thuận lợi tiêu thụ các sản phẩm tạo ra. Lấy tiền bán trứng làm chi phí chăm sóc đàn gà ở giai đoạn nuôi lâu (gà tới 7 tháng trở đi ăn nhiều nhưng rất chậm lớn) vừa dễ dàng quay vòng vốn vừa thuận lợi chọn được thời điểm giá cao của thị trường để xuất bán”, ông Nguyên đánh giá.

Ông Nguyễn Huy Ba, Giám đốc HTX Chăn nuôi, Thương mại và Đầu tư Đoài Phương, thị xã Sơn Tây cho hay, HTX hiện có 4 thành viên với tổng đàn 15.000 gà Mía thương phẩm và hơn 5.000 gà mía sinh sản. Để chủ động nguồn cung và thuận lợi tiêu thụ với giá cao, nhiều hộ thay vì nuôi gà mía lai ngắn ngày bán trước Tết đã chủ động vào đàn gà mía thuần từ tháng 9 (âm lịch) để có gà bán dịp sau Tết và mùa lễ hội đầu năm (gà mía phải đạt 4,5-5 tháng mới có thể xuất bán).

“Đến hiện tại về cơ bản tình hình chăn nuôi đã ổn định, thời tiết ủng hộ, người nuôi dày dặn kinh nghiệm, giá gà mía giống giao động từ 9.000-10.000 đồng/con là những điều kiện thuận lợi cho các hộ vào đàn, phân đàn để sẵn sàng nguồn cung cho thời điểm cuối năm”, ông Ba nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Tài (áo trắng), tổng đàn gà trên địa bàn còn rất lớn nên dịp Tết năm nay nguồn cung gà thịt và trứng dồi dào. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Văn Tài (áo trắng), tổng đàn gà trên địa bàn còn rất lớn nên dịp Tết năm nay nguồn cung gà thịt và trứng dồi dào. Ảnh: Trung Quân.

Nguồn cung gia cầm không có biến động

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì chia sẻ, HTX hiện có 10 thành viên với tổng đàn gà hơn 15 vạn con. Theo thông tin dự báo từ các thương lái, do tác động của bão lũ nên những khu vực nuôi bị ngập úng hoặc có nguy cơ nhiều hộ đã bán chạy gà tránh thiệt hại. Tình hình ổn định trở lại vẫn e dè chưa muốn vào đàn hoặc vào đàn dè dặt nên đã bỏ lỡ thời điểm phù hợp để có sản phẩm bán đúng dịp trước Tết.

Do đó, với lợi thế nhiều gò đồi, cao ráo, hầu hết các hộ nuôi gà ở Ba Vì không bị ảnh hưởng, nguồn cung sản phẩm không có biến động so với các năm trước nên với giá bán gà dự báo sẽ giữ ổn định ở mức cao từ nay tới cuối năm (hiện giá gà thịt lông màu từ 85.000-90.000 đồng/kg), trừ đi chi phí khoảng 140 triệu đồng/1.000 gà (1,8 tấn) các hộ sẽ thuận lợi tiêu thụ và có lãi lớn.

Trăn trở lớn nhất hiện nay là để giảm chi phí, công lao động, bảo vệ sức khỏe và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nhiều HTX, hộ sản xuất đã chuyển hướng chăn nuôi an toàn, hữu cơ, đẩy lùi thực phẩm kém chất lượng. Ngặt nỗi, liên kết với các doanh nghiệp thu mua lớn còn lỏng lẻo, người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là sản phẩm hữu cơ, an toàn và ngược lại. Các hộ nuôi vẫn phải tiêu thụ thông qua thương lái nhỏ là chính, nên giá trị thu lại vẫn chưa tương xứng với chi phí bỏ ra.

“Chắc chắn từ nay tới cuối năm sẽ không thiếu nguồn cung thịt, trứng gà vì tổng đàn trên diện rộng vẫn rất lớn. Nhiều người lo ngại thời điểm giáp Tết thời tiết có thể sẽ rét đậm hơn, có thể ảnh hưởng tới việc phát triển của đàn gà. Nhưng điều này không đáng ngại do thời điểm này gà đã đã lớn, sức đề kháng tốt. Bên cạnh đó, các hộ đã chủ động chuẩn bị đầy đủ củi, lò đốt, bóng sửi, bạt che để giữ ấm”, ông Tài nhận định.

Nhiều thương lái dự báo gà lông màu càng về cuối năm sẽ thuận lợi tiêu thụ với giá bán ổn định ở mức cao. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều thương lái dự báo gà lông màu càng về cuối năm sẽ thuận lợi tiêu thụ với giá bán ổn định ở mức cao. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội thông tin, toàn thành phố hiện có 42 triệu gia cầm, hơn 1,5 triệu lợn, 155.000 trâu bò. Năm nay mặc dù hoạt động chăn nuôi của người dân trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng không nhỏ bởi bão lũ.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng hướng dẫn các địa phương, người dân tổ chức tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng diện rộng để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Nhờ đó, hoạt động sản xuất chăn nuôi đã nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.

Bên cạnh đó, với quy mô đàn cao hơn so với cùng kỳ năm trước và năng lực sản xuất đang có, khả năng cung ứng sản phẩm gia cầm nói riêng, chăn nuôi nói chung vẫn tương đương, thậm chí có phần nhỉnh hơn năm trước. Hà Nội có lợi thế là các tỉnh thành khác đưa sản phẩm về để tiêu thụ nên nguồn cung từ nay tới cuối năm luôn được đảm bảo, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Bình luận