Bắc Ninh: Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Bình luận · 175 Lượt xem

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh, hiện nay sản xuất nông nghiệp truyền thống đã và đang dần được thay thế bằng nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng CNC để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế trên cùng đơn


Ảnh minh họa

 

Công ty TNHH may Hồ Gươm (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), đầu tư xây dựng hơn 11,4 ha nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống quạt gió, điều khiển qua máy tính hoặc điện thoại thông minh để trồng tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản; Doanh nghiệp tư nhân cây xanh Phú Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), đầu tư xây dựng 1.500m2 nhà kính có hệ thống cảm biến điều tiết nhiệt độ theo chu kỳ giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây thông qua điện thoại hoặc máy tính bảng để sản xuất hoa lan Hồ điệp phục vụ Tết Nguyên đán; Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), đầu tư xây dựng hơn 2 ha nhà màng, nhà kính áp dụng công nghệ tưới tự động, sản xuất rau ăn lá, dưa các loại gắn với thương hiệu cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị lớn; HTX nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng (xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) với hơn 300 lồng chuyên nuôi cá thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, có gắn tem truy xuất để cung cấp cho thị trường và các nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp.

Một số doanh nghiệp sản xuất con giống (gà, lợn) thuộc tập đoàn Dabaco Việt Nam đã đưa chuyển đổi số vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị con giống, quản lý hoàn toàn bằng số hóa. Ngoài ra một số cơ sở, HTX, doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đã đưa chuyển đổi số, trong một khâu hay một công đoạn sản xuất nào đó nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong sản xuất. Bên cạnh đó theo Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 15/6/2020 của UBND tỉnh Bắc Ninh đã có 11 nhãn hiệu được chứng nhận thuộc đề án “xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu sản phẩn thuộc chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025. Trong đó 06 nhãn hiệu gồm (Tỏi một nhánh Gia Bình; Cà rốt; Mỳ gạo Tử Nê- Lương Tài; Dưa gang muối Quế Võ; Giò chả nem chua Tân Hồng; Rượu nếp cái Hoa vàng Đồng Nguyên) và 05 nhãn hiệu tập thể (Đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê; Đồ gỗ mỹ nghệ Tam Sơn; Đồ gỗ mỹ nghệ Hương Mạc – TP Từ Sơn; Đồ gỗ mỹ Nghệ Khúc Xuyên - TP Bắc Ninh; Chuối Cảnh Hưng- Tiên Du).

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, việc số hóa trong từng khâu sản xuất hoặc số hóa hoàn toàn được nhiều nông hộ, doanh nghiệp, HTX ứng dụng góp phần minh bạch hóa trong quá trình sản xuất. Chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh mà còn là cơ hội để để ngành nông nghiệp thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang một nền nông nghiệp minh bạch nguồn gốc, thông tin giúp nông nghiệp vươn xa và có trách nhiệm với người tiêu dùng. Người sản xuất có thể kiểm soát được thời gian thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, có thể kiểm soát tốt thời gian hoạt động của các trang trại, kết nối được với cộng đồng và tối ưu hóa được chi phí sản xuất, tăng cường lợi nhuận.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được bởi vấn đề thông tin, truy xuất nguồn gốc… do vậy, đã có nhiều cơ sở, hộ nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất như chăm sóc theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, minh bạch quy trình sản xuất, sản phẩm đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch, thuận tiện trong việc giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm và hướng tới đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử./ 

T.H

Bình luận