Sang Đài Loan học trồng tre lục trúc

Bình luận · 349 Lượt xem

Người đàn ông ở xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là chuyên gia khoáng sản, nhưng lại sang tận Đài Loan để học làm nông nghiệp và đã thành công.

Hành trình gian truân

Tre lục trúc là loại cây nông nghiệp cho năng suất lấy măng, hiệu quả kinh tế cao được nhiều bà con nông dân ưa chuộng. Bởi vậy, những năm gần đây, mô hình trồng tre lục trúc lấy măng đang nở rộ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tại tỉnh Thái Nguyên, tuy diện tích trồng tre lục trúc còn chưa nhiều, nhưng cũng đã có người thành công với loại cây trồng này.

Anh Lâm Xuân Quang (sinh năm 1978) ở xóm Cây Thị, xã Cây Thịhuyện Đồng Hỷ là một trong những nhà nông tiên phong xây dựng mô hình trồng tre lục trúc tại tỉnh Thái Nguyên. Anh đã trồng tre được gần 10 năm, đến nay được nhiều người ở địa phương biết đến là người có thu nhập cao và bán giống cây có nguồn gốc từ Đài Loan.

Anh Lê Xuân Quang, người tiên phong áp dụng thành công mô hình trồng giống tre lục trúc ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Anh Lê Xuân Quang, người tiên phong áp dụng thành công mô hình trồng giống tre lục trúc ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nếu không nói chuyện trực tiếp với anh Quang thì ít ai biết được trước khi bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp, anh từng có thời gian dài làm việc trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Cơ duyên đến với nghề trồng tre lục trúc cũng là cả một câu chuyện ly kỳ của người đàn ông này, trải qua gian nan khi đi học nghề, nước mắt của thất bại và nghị lực vượt qua khó khăn để thành công.

“Từ lâu tôi đã có niềm đam mê với nông nghiệp, ấp ủ dự định xây dựng mô hình cho riêng mình. Bởi vậy khi còn đi làm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, mỗi lần có dịp đi công tác ở các tỉnh, thành phố trong nước, hay những chuyến đi nước ngoài là tôi đều tranh thủ thời gian để tìm hiểu, tiếp cận các mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở những nơi mình đặt chân đến”.

Theo lời kể của anh Quang, trong một lần đến Đài Loan công tác vào năm 2014, biết anh có đam mê làm nông nghiệp, một người bạn đã giới thiệu anh đến tham quan mô hình trồng tre lục trúc lấy măng ở xứ bạn. Khi tiếp xúc với mô hình này, anh Quang đã dành tình yêu cho loại cây trồng có cái tên mỹ miều.

“Tôi cảm nhận được giá trị và tiềm năng kinh tế mà giống tre lục trúc mang lại, bởi vậy khi về nước tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức về cây trồng này. Càng tìm hiểu càng có đam mê, từ đó tôi hạ quyết tâm phải xây dựng thành công mô hình trồng tre lục trúc trên chính mảnh đất đồi rừng của gia đình”.

Anh kể về thời gian đầu đưa loại cây này vào trồng là cả một quá trình tìm tòi, học hỏi và làm thực tế. Để chuẩn bị trồng cây, anh tìm thông tin trên mạng, hoặc ai giới thiệu ở đâu có mô hình trồng tre lục trúc thì dù có xa xôi đến mấy anh cũng lặn lội tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức. Đến nay, chính anh Quang cũng không thể nhớ nổi bản thân đã đến bao nhiêu tỉnh, thành phố để tham quan được bao nhiêu mô hình trồng tre lục trúc nữa.

Khi đã có kiến thức, kinh nghiệm cơ bản, năm 2015 anh Quang huy động được số tiền 200 triệu đồng để đầu tư trồng tre lục trúc. Đầu tiên anh bắt tay vào cải tạo đất đồi rừng thành từng hàng luống theo kiểu ruộng bậc thang, rồi sau đó sang tận Đài Loan (Trung Quốc) để đặt mua 300 cây giống về trồng thử nghiệm.

“Ở lần trồng thử nghiệm đầu tiên, sau một thời gian chăm sóc thì cơ bản số cây giống đều bị chết. Thất bại này đã làm tôi mất toàn bộ vốn liếng, nợ nần thì chồng chất, gánh nặng kinh tế đè lên vai. Đã từng có lúc tôi nản chí, chán chường và muốn từ bỏ việc xây dựng mô hình trồng tre lục trúc. Nhưng sau đó, nhờ có gia đình động viên đã giúp tôi vực dậy tinh thần, có thêm động lực để bước tiếp”, anh Quang nhớ lại.

Khu vực trồng tre lục trúc rộng hơn 4ha, được thiết kế theo kiểu ruộng bậc thang của anh Quang. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khu vực trồng tre lục trúc rộng hơn 4ha, được thiết kế theo kiểu ruộng bậc thang của anh Quang. Ảnh: Toán Nguyễn.

Với quyết tâm xây dựng lại mô hình trồng tre lục trúc, năm 2016 anh Quang lại một lần nữa lặn lội bay sang Đài Loan. Đến xứ người, nhưng lần này anh không đặt mua giống luôn, mà ở lại tới 3 tháng để học kỹ thuật trồng tre, cách chăm sóc và thu hoạch. Cảm thấy mình đã học được những kiến thức cơ bản rồi, lúc ấy anh mới nhập hơn 100 cây tre giống mang về trồng và đã thành công, cây tre phát triển tốt.

Trải qua 8 năm kiên trì, nỗ lực, quy mô diện tích trồng tre của anh nông dân Lâm Xuân Quang đã phát triển từ hơn 1ha ban đầu mở rộng lên hơn 4ha. Rừng trồng cũng được phân chia thành các khu vực trồng để lấy măng và khu vực ươm giống. Từ số cây tre giống ban đầu nay cũng đã phát triển lên đến hơn 4.000 khóm cây.

“Mô hình này chính là tâm huyết, thành quả, công sức tôi lao động gần 10 năm mà có. Cây tre lục trúc được đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập cao và ổn định. Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo sản lượng ổn định cung ứng ra thị trường”.

Theo anh Quang, dù chi phí đầu tư trồng tre lục trúc lớn hơn so với trồng rừng thông thường, nhưng chỉ từ năm thứ 2 trở đi loại cây trồng này sẽ cho sản lượng từ 12 - 15 tấn măng/năm, thời gian khai thác kéo dài 6 tháng, từ tháng 3 - 9 (âm lịch) hàng năm. Hiện với giá măng bán tại chỗ trung bình là hơn 20.000 đồng/kg, sau khi khấu trừ chi phí anh còn lãi được khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

Sau nhiều năm nỗ lực, kiên trì, anh Quang đã thành công với mô hình trồng tre lục trúc lấy măng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sau nhiều năm nỗ lực, kiên trì, anh Quang đã thành công với mô hình trồng tre lục trúc lấy măng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thu bạc tỉ từ măng

Việc trồng tre lục trúc không chỉ tạo giá trị kinh tế mà còn tạo công việc cho người dân địa phương. Hiện với 4ha tre, anh đang sử dụng 8 nhân công phục vụ cho việc khai thác măng, với mức lương dao động từ 6 - 7 triệu/người/tháng.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, theo anh Quang, để duy trì, phát triển mô hình giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao thì khâu kỹ thuật là rất quan trọng. Khi gieo trồng người nông dân cần chú ý khoảng cách giữa các hàng là khoảng 2,5m, mỗi gốc cách nhau khoảng 1m và trung bình 1ha sẽ trồng từ 800 - 1.000 gốc. Quá trình chăm sóc, người trồng cần lưu ý vấn đề thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm. Trong đó, nhiệt độ để cây phát triển, tạo củ măng trong khoảng 18 - 25 độ, khi vào vụ xuân cần tạo độ ẩm thích hợp để cây có môi trường phát triển tốt nhất.

Bên cạnh đó, mặc dù đây là giống cây có sức phát triển, đề kháng tốt với sâu bệnh, nhưng người trồng cũng không được chủ quan mà phải thường xuyên quan sát sự sinh trưởng của cây. Nếu thấy có hiện tượng lá hết màu, thân vàng thì cần kịp thời bổ sung các loại phân, ưu tiên là phân hữu cơ để cây phát triển.

Khi thu hoạch măng cần lưu ý chỉ đào những củ còn trong đất, bởi lúc đó măng sẽ đạt độ ngọt, giòn và có giá cao. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khi thu hoạch măng cần lưu ý chỉ đào những củ còn trong đất, bởi lúc đó măng sẽ đạt độ ngọt, giòn và có giá cao. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hiện nay, ngoài măng tươi thành phẩm, anh Quang còn chế biến măng thành các sản phẩm khác như măng khô, măng ăn liền, măng ớt… để đưa ra thị trường tiêu thụ, tạo ra nguồn kinh tế cho gia đình.

Trong thời gian tới, khi vùng nguyên liệu được mở rộng, sản lượng măng ổn định, anh dự kiến sẽ hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp để cung ứng, đưa sản phẩm măng tre ra ngoài thị thường. Anh mong muốn những sản phẩm từ cây tre lục trúc sẽ xuất hiện trên những kệ hàng thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng khắp cả nước, thậm chí vươn xa ra thị trường quốc tế.

Hiện nay, mô hình đang trong giai đoạn phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo đủ sản lượng cung cấp ra  thị trường. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hiện nay, mô hình đang trong giai đoạn phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo đủ sản lượng cung cấp ra  thị trường. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bình luận