Mù Cang Chải - nửa hành trình xây dựng huyện du lịch

Bình luận · 169 Lượt xem

Nửa nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu 'xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến 'Bản sắc, An toàn, Thân thiện' theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -

Từng nhiều lần đến với Mù Cang Chải, bạn trẻ Hoàng Thị Trang ở Hà Nội vẫn yêu sự mộc mạc, yên bình của con người và cảnh sắc nơi đây. Trang nói: "Vẫn là ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn, những món ăn dân dã nhưng sau 3 năm quay lại, Mù Cang Chải đã làm mới mình bằng nhiều sản phẩm, địa điểm du lịch. Các cơ sở lưu trú vẫn đậm màu sắc văn hóa nhưng tiện nghi hơn. Đường sá đi lại cũng dễ dàng hơn nhiều, lại còn có đội ngũ hướng dẫn viên bản địa rất nhiệt tình, chu đáo”.

Sự đánh giá của khách du lịch là một minh chứng khách quan nhất để thấy rằng, du lịch Mù Cang Chải đã thực sự khoác lên mình một diện mạo mới. Những năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy và hành động của cộng đồng, huyện Mù Cang Chải đã tích cực huy động và khai thác tối đa các nguồn lực; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư để đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch.

Nhờ đó, đến nay, hạ tầng kỹ thuật đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, thu gom xử lý rác thải, vệ sinh môi trường ở các khu, xã, điểm du lịch, các công trình di tích, lịch sử văn hóa trên địa bàn từng bước được đầu tư xây dựng, tu bổ, cải tạo.

Ngoài 164,7 km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa trong 2 năm 2021 - 2022, huyện còn đầu tư các công trình giao thông phục vụ phát triển du lịch: đường bê tông vào khu đồi Mâm Xôi; đường vào khu vực ngắm cảnh ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn; đường vào bãi đá cổ xã Lao Chải… với tổng trị giá 13 tỷ đồng.

Các sản phẩm du lịch cũng ngày càng phát triển đa dạng, chuyên nghiệp hơn từ du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng cho đến bay dù lượn, trải nghiệm xe địa hình, bay trực thăng ngắm cảnh… đã thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.

Huyện Mù Cang Chải còn triển khai hỗ trợ cho các hộ gia đình làm dịch vụ homestay vay không lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xây dựng nhà nghỉ cộng đồng; hỗ trợ học nghề về làm dịch vụ, du lịch; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ nhân dân khôi phục, phát triển một số nghề truyền thống và một số sản vật có giá trị lịch sử của người Mông.

Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, đã có 20 cơ sở lưu trú mới đi vào hoạt động, nâng tổng số homestay, nhà nghỉ trên địa bàn huyện lên 104, có khả năng phục vụ trên 3.000 người nghỉ/đêm; nhà hàng, quán ăn có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của trên 5.000 khách.

Anh Sùng Minh Khang ở xã Cao Phạ chia sẻ: "Lúc đầu mình cũng chỉ định xây nhà để ở thôi nhưng rồi cán bộ địa phương đến vận động mình cải tạo xây dựng nhà làm du lịch, vì vị trí nhà mình khá đẹp. Dần dần, nhà mình cũng có khách, mình có thu nhập và thoát nghèo. Mình còn được hướng dẫn, tham gia các lớp học du lịch, học nấu ăn, học tiếng Anh do địa phương tổ chức. Hiện nay, homestay của mình đã có lượng khách nhất định nên mình tiếp tục đầu tư thêm 2 nhà dạng bungalow bên cạnh nhà cộng đồng để phục vụ nhu cầu khách du lịch tốt hơn

Hoạt động du lịch ở Mù Cang Chải đang dần có chiều sâu, lượng khách du lịch ngày càng tăng và chi tiêu nhiều hơn, nhất là vào thời điểm mùa du lịch. Riêng 9 tháng năm 2023, huyện đã đón gần 250.000 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt 245 tỷ đồng.

Sau 2 năm, tỷ trọng khu vực dịch vụ trung bình đạt 35% trong cơ cấu kinh tế; 11/16 chỉ tiêu của Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức đến năm 2025.

Đây là động lực và cũng là kết quả xứng đáng cho Mù Cang Chải trong hành trình hiện thực mục tiêu trở thành huyện du lịch theo hướng bảo vệ môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc.

Bình luận