Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 37 ngày 08/5/2023 của Ban cán sự Đảng Bộ NN-PTNT về "Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030".
24% lao động được đào tạo nhưng đa số ngắn hạn
Theo Bộ NN-PTNT, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành NN-PTNT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo thống kế sơ bộ, đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo tạo các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Bộ NN-PTNT có 4 cơ sở đào tạo đại học và 28 trường cao đẳng.
Đến năm 2022, các cơ sở đào tạo của bộ đã đào tạo 38 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 39 ngành đào tạo thạc sĩ và 97 ngành đào tạo trình độ đại học, 112 ngành đào tạo cao đẳng và 122 ngành trung cấp.
Trong thời gian qua, bằng các nguồn kinh phí khác nhau, các cơ sở đào tạo đã cố gắng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; đổi mới công tác tuyển dụng, thu hút, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên; rà soát, cập nhật và phát triển chương trình đào tạo, qua đó chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước được cải thiện. Các trường đại học cũng đã chú trọng công tác quảng bá tuyển sinh, mở rộng nhiều ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học.
Điển hình có Đại học Thủy lợi mở các ngành mới An ninh mạng, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh, Kinh tế số, Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán, Luật… Học Viện Nông nghiệp Việt Nam mở mới các ngành gồm: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Tài chính ngân hàng, Thương mại điện tử, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Luật, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Quản lý bất động sản, Sư phạm công nghệ… Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang mở thêm ngành Ngôn ngữ Trung Quốc…
Những nỗ lực, cố gắng trên đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện chính sách quản lý, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng nền móng đưa Việt Nam có vị trí cao trong số những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, nguồn nhân lực ngành NN-PTNT còn bộc lộ một số tồn tại, thách thức. Mặc dù lao động qua đào tạo tăng nhanh trong thời gian qua, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 24%, nhưng đa số là đào tạo ngắn hạn, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên còn chiếm tỷ lệ thấp, dưới 5%.
Kết quả thống kê từ các trường của Bộ NN-PTNT thể hiện, giai đoạn 2016-2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011-2015.
Hiện tại, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30% tổng số lao động trên cả nước, nhưng sinh viên đăng ký học đại học các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm. Trong những năm gần đây, một số ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học.
Điều này đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của ngành trong các khu vực từ quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh đến nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ.
Thực trạng trên đang đặt ra thách thức cho việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nguyên nhân khách quan của tồn tại, hạn chế trên một phần do thu nhập của lao động trong ngành nông, lâm và thuỷ sản còn thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Người học các ngành nông nghiệp chủ yếu là con, em nông dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ảnh hưởng đến tâm lý đề cao những ngành phi nông nghiệp để có điều kiện lập nghiệp ở khu vực thành thị và những nơi có điều kiện làm việc tốt hơn.
Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ nhận thức và việc tổ chức thực hiện công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Một số trường còn tư duy bao cấp, tâm lý trông chờ, chưa quyết liệt trong công tác tuyển sinh...
Khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề mỗi năm
Để khắc phục những tồn tại nêu trên và chuẩn bị nhân lực cho triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban cán sự đảng Bộ NN-PTNT đã ban hành Nghị quyết số 37 ngày 08/5/2023 về "Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành NN-PTNT đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030".
Mục tiêu của Nghị quyết thể hiện rõ, đến năm 2030 đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng để thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, tay nghề cao để trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học đủ năng lực nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ hiện đại và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tâm huyết, yêu nghề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế…
Đến năm 2030, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%...
Để hoàn thành mục tiêu, Nghị quyết số 37 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp.
Sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ NN-PTNT.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cùng với đó, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao được chú trọng. Định hướng học nghề nông nghiệp và bổ trợ kiến thức nông nghiệp, trong đó, triển khai học kỳ nông nghiệp cho các trường thuộc Bộ NN-PTNT để trang bị kiến thức cơ bản về nông nghiệp, tình yêu đối với ngành nông nghiệp cho các ngành phục vụ nông nghiệp và các ngành phi nông nghiệp để khi ra trường các em có thể phục vụ trong ngành nông nghiệp hoặc định hướng công việc, kinh doanh các ngành liên quan đến ngành nông nghiệp.
Nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ theo mô hình Nhật Bản dành cho học sinh hết phổ thông cơ sở bảo đảm học sinh tốt nghiệp có kiến thức về văn hóa, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp; có đủ năng lực làm việc ở các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước, đi làm việc ở nước ngoài hoặc tiếp tục học lên bậc học cao hơn.