Những khắc tinh của cây sâm bố chính
Theo anh Trần Minh Tâm, người đầu tiên ở Bình Định khởi nghiệp thành công từ loại cây trồng còn rất xa lạ với nông dân, sâm bố chính có vị ngọt, tính mát, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, được xem là dược liệu quý. Do đó, khi trồng sâm bố chính, điều cần quan tâm trước tiên là phải chú trọng khâu làm đất, tránh để mầm bệnh, tuyến trùng gây hại cho cây, đồng nghĩa người trồng ít sử dụng thuốc trị bệnh sẽ khiến củ sâm đạt độ an toàn thực phẩm cao hơn.
“Việc chăm sóc sâm bố chính không phức tạp, chỉ cần thường xuyên dọn cỏ, không để cỏ sinh trưởng “lấn lướt” cây sâm và tưới nước. Tuy nhiên, do đây là cây dược liệu, nên người trồng phải bảo đảm được nguồn phân bón, tránh tình trạng hóa chất tồn dư trong củ sâm sau khi thu hoạch. Mặt khác, cần chú ý đến các yếu tố khác như môi trường nguồn nước tưới, cây sâm bố chính cần được tưới đủ ẩm trong thời gian mới trồng. Trong quá trình cây sinh trưởng cần được thường xuyên kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện các loại sâu ăn lá và côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý”, anh Tâm chia sẻ.
Thời gian đầu khởi nghiệp, anh Tâm đã gặp khó không ít trong việc chăm sóc cây sâm bố chính. Khắc tinh của cây sâm bố chính là con sùng. Sùng được sinh ra từ trong đất, nhất là trên những diện tích đất trước đây được trồng đậu phộng, bắp, cây đậu bắp…, những loại cây trồng mà trong đất hay phát sinh sùng. Qua thời gian dài canh tác các loại cây trồng nói trên, sau khi thu hoạch, ấu trùng của sùng vẫn còn trong đất, khi trên đất ấy có cây trồng mới là sùng sinh sôi nẩy nở gây hại.
“Người trồng mà lơ mơ không thường xuyên kiểm tra là sùng phát sinh, chúng thường cắn ngay nơi tiếp giáp giữa cuống củ và cuống cành, khi đó thì cành cây sẽ gục chết, củ nào mạnh thì sau đó nứt lại mầm mới, nếu củ yếu thì chết rục dưới đất.
Thứ đến là bệnh rầy. Sau 45 ngày, giai đoạn cây cho lá dày, khi ấy mặt dưới lá sẽ bắt đầu đổ lông, đó là thời điểm rầy bắt đầu phát sinh, rầy phát sinh mạnh nhất từ tháng thứ 5, thứ 6. Bản chất của cây sâm bố chính là nhiều dinh dưỡng nên lũ rầy rất ưa, phải được khống chế bằng thuốc sinh học. Nếu để rầy phát sinh thì cây sâm bố chính sẽ bị suy giảm sức đề kháng, khi ấy thì các loại sâu bệnh khác sẽ ùa đến gây hại cây sâm”, anh Tâm chia sẻ.
Anh Tâm cho biết thêm, một khắc tinh khác của cây sâm bố chính là bệnh thối củ. Nạn sùng và bệnh thối củ có thể sử dụng các thuốc trừ bệnh sinh học bơm thẳng vào gốc để trị, nếu cây lờn thuốc này thì dùng thuốc khác, khống chế được những bệnh nói trên là cây sâm bố chính sẽ sinh trưởng phát triển rất tốt.
Thời điểm xuống giống cây sâm bố chính thuận lợi nhất là sau 23/10 âm lịch hàng năm, qua mùa mưa lũ là có thể xuống giống. Nếu để qua Tết Nguyên đán thì xuống giống vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch, thời tiết ấm áp sẽ giúp cây nhanh phát triển.
Trong quá trình trồng sâm bố chính, đến nay anh Tâm đã đúc kết được kinh nghiệm, xây dựng riêng cho mình quy trình kỹ thuật phù hợp với loại cây trồng còn xa lạ với nông dân Bình Định. Ví như trong giai đoạn cây đẻ nhánh (sau khi trồng 2 tháng), anh Tâm sẽ tăng cường chăm sóc để cây đẻ càng nhiều nhánh càng tốt. Theo giải thích của anh Tâm, nhánh đi đến đâu rễ sẽ đi đến đó. Cây nhều nhánh nhiều rễ sẽ cho nhiều củ, lại quang hợp tốt hơn, tạo nhiều dinh dưỡng cho cây để cây cho củ to, chất lượng.
“Tùy giai đoạn, người trồng có thể điều chỉnh tạo dưỡng chất cho củ sâm hoặc tạo dinh dưỡng để cây nuôi củ to. Để tạo dưỡng chất cho củ thì người trồng cần cho lá sâm dày lên, muốn vậy phải cho cây ăn đạm nhiều hơn. Còn muốn lá mỏng đi để tạo dinh dưỡng nuôi củ thì cho cây ăn đạm ít hơn phân hữu cơ và kali”, anh Tâm nói.
Nhân giống loài “sâm tiến vua”
Từ hiệu quả của mô hình trồng sâm bố chính của anh Trần Minh Tâm, hiện nay, nhiều hộ nông dân ở Bình Định đang mày mò làm theo nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất, do đó nhu cầu về cây giống sâm bố chính ngày càng mạnh.
Theo anh Tâm, nhân giống sâm bố chính không quá khó, nhưng đòi hỏi phải đúng kỹ thuật. Sâm bố chính tuy là loại cây thân thảo, nhưng để nhân giống chỉ có mỗi cách là gieo trồng bằng hạt. Nếu hạt đúng chất lượng thì tỉ lệ nảy mầm sẽ đạt trên 90%. Có 2 cách gieo hạt sâm bố chính, 1 là gieo trực tiếp vào trong đất và 2 là gieo hạt trong bầu.
Với phương thức gieo hạt trực tiếp vào đất, hạt giống phải được ngâm bằng nước ấm hoặc bằng các dung dịch kích thích nảy mầm trong 24 giờ để tăng độ ẩm và tỉ lệ nảy mầm cho hạt. Đất gieo hạt giống phải tươi xốp, đánh thành luống cao khoảng 20 - 30cm, rộng khoảng 1 - 1,2m, luống cách luống khoảng 0,5m. Trên 1.000m2 đất nhân giống sâm bố chính phải được rắc 25 - 40kg vôi bột để khử trùng, sau đó bón lót thêm phân chuồng đã hoai mục.
Trên các luống phải được phủ bằng màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ phát sinh, nhờ đó chi phí làm cỏ cũng ít tốn, giảm dịch bệnh gây hại vì côn trùng không thể xâm nhập, màng phủ nông nghiệp còn giữ phân cho cây và tăng độ ẩm cho đất.
Còn gieo hạt trong bầu là đất được cho vào các bì ni lông hình trụ, kích thước mỗi bầu cao khoảng 4 - 6cm, rộng 3 - 4cm. Đất được trộn với tro trấu và phân chuồng. Mỗi bầu cho 1 - 2 hạt sâm vào giữa bầu, đặt bầu nơi vị trí thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, tưới nước theo định kỳ 2 - 3 ngày/lần. Sau từ 4 - 7 ngày hạt sâm sẽ nảy mầm, cách 1 tuần sẽ tưới nước cho cây và phun thuốc phòng các bệnh bọ trĩ, sâu ăn lá, rầy. Khoảng 3 - 4 tuần sau là cây giống phát triển chiều cao được 10 - 15cm, nảy được 3 - 4 lá là có thể mang ra trồng.
Trước đây, anh Tâm nhân giống bằng phương pháp gieo hạt trong bầu, nhưng phương pháp này tốn nhiều chi phí, công lao động nên mỗi cây giống anh bán đến 10.000đ. Hiện nay anh đã nhân giống bằng phương pháp gieo hạt trực tiếp vào đất, giảm chi phí, nên giá thành cây giống giảm xuống chỉ còn 5.000đ/cây, giúp người trồng giảm bớt chi phí đầu vào.
Theo anh Tâm, mật độ trồng sâm bố chính cây cách cây 3cm, luống cách luống 4cm, như vậy mỗi m2 đất trồng được 9 cây. 1 ha có 10.000m2, trừ khoảng cách giữa những luống để làm đường đi mất 2.000m2, còn lại 8.000m2 sẽ trồng được 72.000 cây. Trước đây, mỗi cây giống sâm bố chính có giá 10.000đ, mỗi ha người trồng mất đến 720 triệu đồng tiền cây giống. Giờ giá cây giống hạ xuống còn 5.000đ/cây, trồng 1 ha sâm bố chính hiện nay người trồng giảm được 1 nửa chi phí tiền giống, chỉ còn 360 triệu đồng, lại giảm được chi phí vận chuyển những túi cây giống đến nơi trồng.
“Nhân giống bằng phương pháp gieo hạt trong bầu tôi phải mua đất, mua túi ni lông, tốn công dào đất vào túi, công sắp những túi ni lông thành luống và công chăm sóc nên có chi phí cao hơn gấp đôi so với nhân giống bằng phương pháp gieo hạt trực tiếp vào đất”, anh Trần Minh Tâm cho hay.