Chăm chút thương hiệu, mật ong Sìn Hồ giá 150.000 đồng/lít

Bình luận · 378 Lượt xem

Nuôi ong lấy mật ở Sìn Hồ, Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con vùng cao, trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Sìn Hồ.

Mật ong Sìn Hồ có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: HĐ.

Mật ong Sìn Hồ có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: .

Thiên nhiên, khí hậu ưu đãi 

Thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, cuối năm 2022, xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) triển khai mô hình nuôi ong lấy mật cho các hộ gia đình trên địa bàn. Sau thời gian chăm sóc, đàn ong luôn phát triển tốt, cho thu nhập ổn định.

Ông Tao Văn Kẻo, ở bản Pậu, xã Nậm Tăm được hỗ trợ 31 thùng ong mật theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu. Sau thời gian chăm sóc, đàn ong đã phát triển lên 34 thùng và hiện gia đình tiếp tục chuẩn bị những thùng mới để phát triển đàn ong. 

Cũng như các hộ tham gia mô hình chia sẻ, việc nuôi ong không vất vả, chủ yếu phòng, chống rét vào đông và cho ăn bổ sung cuối mùa từ tháng 8 trở đi. Đặc biệt, Sìn Hồ có sẵn các loại hoa từ vườn trái cây của gia đình cũng như trong bản nên không chỉ thuận lợi cho đàn ong phát triển mà con giúp bà con nông dân có nhiều thời gian để phát triển kinh tế.

Ông Tao Văn Kẻo, bản Pậu, xã Nậm Tăm tâm sự, sau khi tham gia mô hình ông thấy đàn ong phát triển tốt. Ông Kẻo mong muốn tiếp tục được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong để đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình hơn nữa.

Thực hiện theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 700.000 đồng mỗi thùng. Nhờ chăm sóc tốt và phòng, chống rét nên đàn ong luôn phát triển ổn định, một số hộ đã tách đàn để nhân rộng mô hình.

Việc thu hoạch mật mang lại thu nhập khá cao cho người dân. Đây cũng là một trong những dự án được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo bền bừng cho nhân dân trên địa bàn xã Nậm Tăm. 

Ông Nguyễn Vũ Đức Trung ở bản Pậu, xã Nậm Tăm cho hay, nuôi ong không vất vả, chủ yếu theo dõi không để ong bò vẽ săn bắt. Theo dõi khi phát triển cần phải tách đàn ngay. Các thao tác tách đàn nên thực hiện nhẹ nhàng, tránh ong đánh nhau, làm mất ổn định đàn.

Khi nuôi chú trọng kỹ thuật nuôi từ khâu chọn địa điểm, tạo chúa đến thu hoạch mật. Từ đó, đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, tăng sản lượng mật, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân địa phương được hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong. Ảnh: VV.

Người dân địa phương được hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong. Ảnh: VV.

Ông Tao Văn Pình, công chức địa chính nông nghiệp xã Nậm Tăm cho biết, để triển khai có hiệu quả, chúng tôi đã rà soát các hộ có nhu cầu để triển khai hỗ trợ. Qua một thời gian chăm sóc mô hình nuôi ong mật luôn phát triển tốt. Sau khi thành công, xã tiếp tục nhân rộng mô hình cho các hộ khác trên địa bàn.

Để đàn ong phát triển, người dân đúc kết kinh nghiệm từ đóng thùng nuôi ong đúng kỹ thuật, duy trì 1 con ong chúa và nuôi từ 3 - 4 cầu. Từ tháng 2 - 3, khi trời ấm áp, người dân tiến hành nhân đàn bằng cách dùng ấu trùng non làm mũ chúa, sau khi mũ chúa được 9 - 10 ngày tiến hành tách đàn.

Nậm Tăm có lợi thế về khí hậu phù hợp nuôi ong mật, đặc biệt phong phú về các loại trái cây từ vùng cây ăn quả tập trung. Đây là nguồn cung cấp phấn hoa cho đàn ong để làm mật, đồng thời cũng giúp cho các hộ thuận lợi trong việc chăm sóc và nhân rộng mô hình.

Đặc biệt, các hộ tham gia mô hình chủ yếu nuôi ngay tại vườn trái của gia đình nên rất thuận lợi cho việc theo dõi, chăm sóc. Đây là mô hình ít chi phí và thuận lợi đầu ra nên nhân dân dễ thực hiên, nhất là các hộ nghèo trên địa bàn.

Ông Lò Văn Sâu, Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm cho hay, năm vừa qua xã xây dựng kế hoạch theo nghị quyết 07 của HĐND tỉnh đến các thôn, bản, bà con hết sức ủng hộ. Và qua triển khai bà con cũng đăng ký nuôi ong theo nghị quyết 07 của tỉnh, hiện 11 hộ đã được hỗ trợ với 314 tổ hiện phát triển rất tốt. Qua theo dõi, bà con trong năm thu hoạch được rất nhiều lít mật ong.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sìn Hồ, để triển khai có hiệu quả mô hình nuôi ong lấy mật, Trung tâm cử cán bộ chuyên môn đến các thôn bản tuyên truyền, vận động người dân tham gia, qua đó lựa chọn những hộ có tâm huyết với nghề nuôi ong để hỗ trợ.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật nuôi ong, đồng thời giúp người dân tăng đàn, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập.

Chất lượng làm nên thương hiệu, hiện sản phẩm mật ong Sìn Hồ thu hoạch đến đâu có người thu mua đến đó với giá cả ổn định 150.000 đồng/lít.

Mô hình nuôi ong lấy mật tạo sinh kế cho bà con vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu). Ảnh: HĐ.

Mô hình nuôi ong lấy mật tạo sinh kế cho bà con vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu). Ảnh: HĐ.

Xóa tập quán nuôi ong tự phát

Cho đến nay, mô hình nuôi ong lấy mật đã tạo cơ hội cho người dân Sìn Hồ tiếp cận với kỹ thuật mới, xóa dần tập quán nuôi ong tự phát để giảm sự lây lan của dịch bệnh trên đàn ong. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đặc biệt là ngành trồng trọt, do được đàn ong thụ phấn cho hoa.

Ngoài ra, từ những mô hình nuôi ong lấy mật đã giúp người nông dân địa phương có tư duy sản xuất nông sản chất lượng cao, nông nghiệp hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường để giúp phát triển kinh tế gia đình, kinh tế địa phương bền vững.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nuôi ong lấy mật đang trở thành một nghề, thành hướng phát triển kinh tế tiềm năng của nhiều địa phương và hộ dân. Tại các huyện đang tập trung phát triển nuôi ong, các hợp tác xã đã mạnh dạn liên kết người dân để làm ra sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. 

Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho hay, Đảng và Nhà nước tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dành cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc mà cụ thể và trực tiếp là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu cùng sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả, kịp thời của các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân các dân tộc trong huyện Sìn Hồ luôn phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện.

Qua đó, tình hình kinh tế, xã hội của huyện Sìn Hò tiếp tục có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nguồn tài nguyên phong phú, thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch... trong đó, nghề nuôi ong lấy mất cũng đóng góp rất lớn vào sự phát triển ổn định này.

Bình luận