Địa phương đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, thanh long ruột đỏ, hồ tiêu… Huyện tích cực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh để không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhân rộng những vùng chuyên canh
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao của cây sầu riêng, những năm trở lại đây, nhiều nhà vườn ở Xuân Lộc đã chuyển đổi một số loại cây trồng kém phát triển sang trồng sầu riêng. Tính đến nay, tổng diện tích sầu riêng của huyện đạt khoảng 1,3 ngàn hécta. Năm 2023, giá sầu riêng đạt mức 60-75 ngàn đồng/kg, nhà vườn thu lợi nhuận cả tỷ đồng/hécta/năm. Trên địa bàn huyện có 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh ngành hàng sầu riêng, 1 doanh nghiệp tiêu thụ và 2 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Sản phẩm trong HTX liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp theo chuỗi liên kết.
Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định Đặng Thị Thúy Nga đánh giá, tiềm năng thị trường xuất khẩu của mặt hàng sầu riêng còn khá lớn. Chính quyền địa phương rất quan tâm, có các chính sách, kế hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung, thành lập các chuỗi liên kết sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành nên các vùng sản xuất có mã số vùng trồng, đảm bảo an toàn đạt chuẩn của thị trường xuất khẩu. Huyện có nhiều chính sách, chương trình khuyến khích, vận động nông dân trồng sầu riêng tham gia các chương trình, dự án, mô hình sản xuất công nghệ cao, hữu cơ để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Xoài cũng là cây trồng chủ lực của huyện Xuân Lộc, hình thành được nhiều vùng chuyên canh đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu. Trong đó, vùng chuyên canh cây xoài đặc sản cát Hòa Lộc với hơn 70 hécta tại xã Xuân Trường thuộc tốp đầu cho hiệu quả kinh tế cao. HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường là chủ đầu tư Dự án Cánh đồng mẫu lớn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xoài trên địa bàn xã với diện tích hàng chục hécta.
Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, nông dân trồng xoài tại địa phương đã gắn bó lâu năm với cây trồng này nên giàu kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây xoài cát Hòa Lộc. Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, đa số nông dân trồng xoài tại địa phương đều chuyển đổi sản xuất xoài nghịch vụ cho thu hoạch vào vụ Tết Nguyên đán để bán được với giá cao. Đây cũng chính là bí quyết giúp nhiều nhà vườn trồng xoài tại địa phương thu về lợi nhuận cao từ cây trồng này.
Chủ tịch UBND xã Xuân Phú Huỳnh Tấn Hậu cho biết, toàn xã phát triển được vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ với diện tích hơn 150 hécta. Đây là cây trồng chủ lực của địa phương nên nông dân được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật trồng, liên kết thành lập HTX. Địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư về kho bãi, nhà máy chế biến sâu, kết nối thị trường tiêu thụ, giúp cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững hơn.
Xuân Lộc là địa phương thuộc tốp đầu của tỉnh trong triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 36 sản phẩm OCOP. Huyện tập trung làm chứng nhận OCOP cho nông sản, nhất là các sản phẩm trái cây tươi có lợi thế xuất khẩu như: sầu riêng, chôm chôm, xoài, dưa lưới…
Phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn
Xuân Lộc đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Các địa phương của huyện dù chọn tiêu chí kiểu mẫu khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu tập trung phát triển sản xuất quy mô hàng hóa lớn bền vững.
Xã Xuân Thành vừa về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Tuy chọn thực hiện kiểu mẫu về chuyển đổi số nhưng xã vẫn tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng 2 vụ lúa - bắp kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: thanh long, xoài Đài Loan, nhãn và các loại rau màu. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên một hécta đất nông nghiệp của xã đạt hơn 181 triệu đồng. Cây chủ lực trên địa bàn xã là cây nhãn, cây rau, cây xoài đã được bán qua các kênh thương mại điện tử; có 3 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh.
Huyện Xuân Lộc cũng thu hút nhà đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao. Tiêu biểu như Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt đầu tư nhà máy sản xuất phân gà hữu cơ và lập trang trại rộng 13 hécta với hệ thống nhà màng trồng rau, trái sạch. Trang trại ứng dụng công nghệ cao với robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây trồng; ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng để có chi phí sản xuất rẻ nhất. Nhiều HTX, nông dân tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Điển hình như HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến ở xã Xuân Phú đầu tư hệ thống máy sấy lúa, máy xát gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay tại cánh đồng… Để giảm chi phí nhân công, HTX còn ứng dụng máy bay không người lái giúp phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, bắp thuận lợi hơn.
Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết, để đạt mục tiêu xây dựng Xuân Lộc đạt kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025, lãnh đạo tỉnh, huyện rất quan tâm trong công tác chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Trong đó, huyện đã xây dựng tiêu chí tạm thời về xây dựng vườn kiểu mẫu. Hiện toàn huyện đã có 10 vườn kiểu mẫu được công nhận và đang tiếp tục nhân rộng mô hình Vườn kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch vườn. Các vườn kiểu mẫu đều sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững gắn với Khu du lịch sinh thái hồ núi Le, núi Chứa Chan, vươn lên hình thành các khu du lịch tầm cỡ của cả khu vực Đông Nam Bộ. Mục tiêu xây dựng toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bình Nguyên