Cần có chính sách và khung pháp lý phù hợp phát triển bảo hiểm nông nghiệp

Bình luận · 23 Lượt xem

Bảo hiểm Agribank đề xuất Chính phủ ban hành chính sách và khung pháp lý phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024. Tham luận tại Diễn đàn, ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên Hội đồng thành viên Bảo hiểm Agribank cho biết, từ khi thành lập (2006) đến nay, Bảo hiểm Agribank - đơn vị thành viên của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) được giao nhiệm vụ chủ yếu tập trung mọi nguồn lực, khai thác lợi thế thương mại của hệ sinh thái Agribank phát triển các hoạt động kinh doanh bảo hiểm dưới hình thức thương mại vào khu vực Tam nông.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên Hội đồng thành viên Bảo hiểm Agribank, phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: ABIC.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên Hội đồng thành viên Bảo hiểm Agribank, phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: ABIC.

Hiện Bảo hiểm Agribank đang cung cấp hơn 100 sản phẩm bảo hiểm vào khu vực Tam nông với doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 2.000 tỷ VND/năm, đối tượng khách hàng chủ yếu là 3 triệu hộ nông dân, chiếm 95% khách hàng của Bảo hiểm Agribank. Hàng năm, Bảo hiểm Agribank chi trả hơn 700 tỷ đồng cho các hộ nông dân bị tổn thất do thiên tai rủi ro gây nên.

Tuy nhiên, việc triển khai các loại hình bảo hiểm theo NĐ 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về các sản phẩm bảo hiểm cây trồng, vật nuôi còn rất thấp, hiện chỉ chiếm 0,05% doanh thu phí hàng năm.

Như vậy, có thể nói bảo hiểm nông nghiệp cả hình thức thương mại và hình thức có chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đều chưa đi vào thực tiễn. Nguyên nhân do chính sách về bảo hiểm nông nghiệp còn bất cập khi những mô hình sản xuất liên kết tập trung có khả năng hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp để tăng hiệu quả, chất lượng, sản lượng chưa được khuyến khích hỗ trợ, mà chỉ có cá nhân, hộ sản xuất nhỏ lẻ được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm.

Mặt khác, đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm còn hạn hẹp, chỉ có lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, chè, cây ăn quả, rau; trâu, bò, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra. Địa bàn được hỗ trợ bị hạn chế dẫn đến các khu vực được hỗ trợ không đồng nhất, người dân có sự so sánh về quyền lợi được hỗ trợ dẫn đến khó cung cấp sản phẩm được ngân sách hỗ trợ.

Quang cảnh tại Diễn đàn. Ảnh: ABIC.

Quang cảnh tại Diễn đàn. Ảnh: ABIC.

Ông Đỗ Minh Hoàng cũng cho rằng, các sản phẩm bảo hiểm phục vụ nông nghiệp – nông dân - nông thôn chưa đa dạng, chưa linh hoạt, phí bảo hiểm cao trong khi thủ tục bồi thường phức tạp. Các doanh nghiệp bảo hiểm chưa mặn mà đầu tư dài hạn vì tiếp cận nông dân khó khăn, nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp phức tạp, rủi ro thiên tai vượt ngưỡng năng lực tài chính của doanh nghiệp…

Để khơi thông nguồn lực cho bảo hiểm nông nghiệp, bảo vệ phát triển bền vững của lĩnh vực mang tính chất  “trụ đỡ” của nền kinh tế, đại diện Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank cho rằng, cùng với việc ban hành chính sách và khung pháp lý phù hợp để tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển các mô hình bảo hiểm mang tính bền vững, cần cân đối ngân sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho khu vực Tam nông theo hướng , tăng phạm vi địa bàn hỗ trợ, tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm, nhất là với các mô hình liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó xây dựng Quỹ dự phòng rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường khi xảy ra thiên tai thảm họa y khả năng chi trả; có cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan như: ngân hàng, hội nông dân, HTX, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp bảo hiểm để tạo ra chuỗi liên kết giá trị giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất từ đầu vào đến đầu ra.  “Việc xây dựng Quỹ dự phòng rủi ro là cần thiết, đây là cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường khi xảy ra thiên tai thảm họa vượt quá khả năng chi trả của họ”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Việc xây dựng Quỹ dự phòng rủi ro là cần thiết, đây là cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường khi xảy ra thiên tai thảm họa vượt quá khả năng chi trả của nông dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc xây dựng Quỹ dự phòng rủi ro là cần thiết, đây là cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường khi xảy ra thiên tai thảm họa vượt quá khả năng chi trả của nông dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Phân tích thêm dưới góc độ vĩ mô, lãnh đạo Bảo hiểm Agribank cũng nhấn mạnh, phát triển các hoạt động bảo hiểm vào khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại Việt Nam cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các hợp tác xã và nhà nông. Trong đó, Nhà nước cần đóng vai trò hướng dẫn và định hướng cho người nông dân trong việc mua bảo hiểm nhằm mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững của người dân làm việc trong khu vực sản xuất nông nghiệp.

“Nếu được Chính phủ, Bộ NN-PTNT, TW Hội Nông dân Việt Nam tin tưởng lựa chọn là mô hình mẫu đồng hành cùng nhà Nông và phát triển bền vững, Bảo hiểm Agribank cam kết “Đồng hành bền vững cùng Tam Nông” và mong muốn đẩy mạnh phát triển bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bảo hiểm nguồn vốn của Agribank từ 18% lên 30-50% trong 5 năm tới. Nếu đạt được, sẽ có khoảng 5 triệu cá nhân, hộ gia đình và trên 10.000 doanh nghiệp được bảo vệ, với tỷ lệ vốn tín dụng Nhà nước được bảo hiểm lên tới 1 triệu tỷ đồng”, ông Hoàng bày tỏ kỳ vọng.

Bình luận