Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về hơn 62 tỷ USD

Bình luận · 15 Lượt xem

Năm 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam khi giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD.

Đây là thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NNPTNT) cho biết, tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, tổ chức tại TPHCM ngày 16/12.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) cho biết: Năm 2024 là một năm phát triển ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD tăng trên 18% so năm 2023.

Trong đó, có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,8 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD). Xét về tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều đạt 2 con số: cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.

Về thị trường, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 12,3 tỷ USD (11 tháng 2024); Trung Quốc đứng thứ hai với 12,2 tỷ USD; tiếp đến là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo ông Lê Thanh Hòa, mục tiêu đặt ra cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 là 55 tỷ USD. Tuy nhiên tính đến nay, giá trị xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu đề ra, đạt hơn 62 tỷ USD; trong đó, giá trị thặng dư thương mại đạt trên 6 tỷ USD. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa thị trường, đưa thuế quan nhiều mặt hàng xuống thấp hoặc về 0%. Song song đó, công tác đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cũng được các bộ, ngành tích cực triển khai, giúp nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam ngày càng vươn xa.

Trong khi đó, theo ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), hiện nay, nhiều sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu và đã khẳng định được thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là mà phải làm nghiêm túc hơn từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. “Việc tìm kiếm, mở cửa được các thị trường đã khó, việc giữ thị trường sẽ càng khó hơn. Nếu chúng ta không cố gắng, để tuột mất cơ hội, thị trường, sẽ rất khó để mở lại” - ông Thiệt nói, cho rằng, các doanh nghiệp cần phải làm ăn bài bản, chuyên nghiệp hơn ngay từ khâu sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cơ sở đóng gói... theo đúng quy định của các nước nhập khẩu.

Ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định: Sản xuất nông nghiệp trong nước duy trì ổn định, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I/2025. Bối cảnh đưa ra là nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...

Đánh giá về thị trường, ông Phong cho rằng Hoa Kỳ là địa bàn có dân số đông và nhu cầu tiêu dùng cao nên các mặt hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là thuỷ sản, đồ gỗ, cà phê, tiêu và dặc biệt là những loại trái cây nhiệt đới. Nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản ở Trung Quốc cũng được dự đoán tăng mạnh, rau quả tăng 6,64%/năm và thủy sản tăng 7,56%/năm trong giai đoạn 2024-2029.

Với vị trí địa lý thuận lợi, các nông sản của Việt Nam như rau, trái cây, thủy sản... vận chuyển đến Trung Quốc vẫn giữ được chất lượng tự nhiên và độ tươi ngon với giá cả hợp lý. Trung Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn cao su, sắn do nguồn cung trong nước hạn chế. Bên cạnh đó, đối với các thị trường xuất khẩu truyền thống, những năm tới nông sản Việt Nam cũng có thêm cơ hội trong mở rộng thị trường xuất khẩu sang những khu vực tiềm năng như Trung Đông và cả một số nước châu Phi.

Dư địa tăng trưởng còn nhiều, song ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) cho rằng, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cũng còn không ít thách thức phía trước khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh bền vững.

Để triển khai đồng bộ giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 và những năm tới, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khuyến nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Qua đó, vừa giúp đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Trong đó, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các quy định kỹ thuật trong xuất khẩu.

Đồng thời, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung tháo gỡ và mở thêm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Trong đó, các hiệp hội ngành hàng phải giữ vai trò đầu tàu trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp.

Bình luận