Việt Nam hướng đến xuất khẩu tôm hùm chính ngạch

Bình luận · 95 Lượt xem

Việt Nam cần hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch tôm hùm, xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu mua cho đến xuất khẩu gắn với truy xuất nguồn gốc.

Hình thành chuỗi liên kết gắn với truy xuất nguồn gốc

Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD. Một trong những yêu cầu để tôm hùm có thể vào thị trường Trung Quốc là sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được nước này công nhận.

Các hộ nuôi tôm hùm cần hình thành chuỗi liên kết, kiểm soát từ khâu sản xuất đến xuất khẩu gắn với truy xuất nguồn gốc.

Các hộ nuôi tôm hùm cần hình thành chuỗi liên kết, kiểm soát từ khâu sản xuất đến xuất khẩu gắn với truy xuất nguồn gốc.

Đối với tôm hùm bông nuôi xuất khẩu sang Trung Quốc cần đáp ứng các điều kiện như: con giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, con giống phải là thế hệ F2.

Cụ thể, các nhà nhập khẩu phải xin giấy phép về bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc); thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm; các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký theo biểu mẫu mới để rà soát, tổ chức kiểm tra trước khi được phép xuất khẩu.

Về lâu dài, Việt Nam cần hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch tôm hùm, xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất thu mua cho đến xuất khẩu và gắn với truy xuất nguồn gốc.

Xuất khẩu tôm hùm một cách căn cơ

Bàn về việc truy xuất nguồn gốc cho tôm hùm, ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty BMC Việt Nam cho rằng, việc đầu tiên cần làm là kiểm soát được tôm hùm giống. Nước ta phải gom các hộ chăn nuôi tôm hùm nhỏ lẻ thành hợp tác xã (HTX), bởi vì không thể truy xuất nguồn gốc cho hàng nghìn hộ nuôi tôm trên biển. Khi đó, HTX có thể ký hợp đồng với trung tâm xét nghiệm để làm công tác hỗ trợ kiểm soát sức khỏe, kiểm tra chất lượng nước, xét nghiệm sớm và phòng trừ dịch bệnh. 

“HTX nuôi tôm hùm ký hợp đồng với các trung tâm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh sớm, đó là biện pháp quan trọng và căn cơ giúp giảm chi phí sản xuất và lâu dài sẽ phù hợp với khả năng thanh toán, khả năng tiêu dùng của người dân trong nước và có thể cạnh tranh với cả hải sản nhập từ nước ngoài”, ông Vinh nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam chia sẻ, vừa qua Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam, bàn về việc hợp tác để quản lý chất lượng giống tôm hùm Indonesia xuất khẩu sang Việt Nam.

Hai bên sẽ hợp tác để thành lập ra trung tâm ương giống tôm hùm ở tại Indonesia hoặc ở Việt Nam, hướng tới đưa tôm hùm nhập khẩu theo phương thức chính ngạch sang Việt Nam hoặc tại Indonesia, từ đó, kiểm soát chất lượng và dịch bệnh trước  khi đưa tôm hùm giống vào các trại nuôi tại Việt Nam. 

“Đây là biện pháp giúp Việt Nam kiểm soát được chất lượng giống tôm hùm, từ đó cung cấp giống cho người nuôi tại Việt Nam. Tỷ lệ nuôi tôm hùm giống bị chết trong quá trình nuôi rất cao, bằng biện pháp này hộ nuôi có thể bảo đảm tỉ lệ chết giảm và giảm giá thành nuôi tôm hùm”, ông Dũng nhấn mạnh

Việt Nam chưa có doanh nghiệp chế biến tôm hùm, sản phẩm duy nhất xuất khẩu là tôm hùm sống. Chế biến tôm hùm là vấn đề cấp thiết để sản phẩm có thể chuyển đi xa dưới dạng đông lạnh và hộ nuôi có thể tích trữ được lâu dài.

Bên cạnh đó, để tiêu thụ thị trường nội địa, ngoài việc kiểm soát con giống, phòng trừ dịch bệnh để giảm giá thành sản phẩm, người nuôi tôm hùm cần cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam những kiến thức, cách chế biến tôm hùm. Về lâu dài, đây sẽ là hướng tiêu thụ tôm hùm bền vững nhất.

Bình luận