Quảng Nam ra quân diệt chuột trước vụ đông xuân

Bình luận · 2 Lượt xem

Bằng nhiều biện pháp từ thủ công đến sử dụng thuốc sinh học, các địa phương ở Quảng Nam đang đồng loạt ra quân diệt chuột trước vụ lúa đông xuân 2024 – 2025.

Theo lịch thời thời vụ sản xuất đông xuân, vào cuối tháng 12 này, những trà lúa đầu tiên của tỉnh Quảng Nam sẽ bắt đầu xuống giống, các trà còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 10/1/2025. Nhằm chuẩn bị cho công tác gieo sạ đạt hiệu quả, khắp các huyện, xã trên địa bàn tỉnh này đã phát động ra quân diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Phong trào nhận được sự hưởng ứng của nhiều đoàn thể cũng như người dân địa phương.

Người dân Quảng Nam ra đồng diệt chuột trước khi gieo sạ vụ lúa đông xuân 2024 - 2025. Ảnh: L.K.

Người dân Quảng Nam ra đồng diệt chuột trước khi gieo sạ vụ lúa đông xuân 2024 - 2025. Ảnh: L.K.

Những ngày qua, cứ bắt đầu từ khoảng 7 giờ sáng, hàng chục người dân ở xã Quế Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đã tập trung trên các cánh đồng với gậy gộc, rựa, bẫy cùng nhiều dụng cụ khác để tiêu diệt chuột. Những khu vực chuột thường trú ẩn như bụi rậm, hang hốc trong các bờ thửa được người dân phát quang, đào bới để chuột không còn nơi trú ngụ, kết hợp diệt chuột bằng nhiều biện pháp…

Ông Trần Loan, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Mộc Bài (xã Quế Phú) cho biết, so với các năm trước, năm nay trên địa bàn không có lũ lớn, ruộng đồng ít bị ngập nước. Vậy nên đây là điều kiện thuận lợi để chuột sinh sản, phát triển, đe dọa đến cây lúa trong vụ tới. “Do đó, trước thời điểm gieo sạ, chúng tôi đồng loạt ra quân để tìm và tiêu diệt chuột nhằm ngăn ngừa tình trạng sau khi xuống giống chuột cắn phá gây thiệt hại cho bà con”.

Chuột bị bắt bằng bẫy được thu gom để xử lý theo quy định. Ảnh: A.S.

Chuột bị bắt bằng bẫy được thu gom để xử lý theo quy định. Ảnh: A.S.

Với nhiều biện pháp từ thủ công như đặt bẫy, đào hang, xông khói… đến sử dụng các loại thuốc sinh học, phong trào diệt chuột ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khá hiệu quả. Sau vài giờ đồng hồ ra quân, hàng trăm con chuột lớn nhỏ bị bắt sống và đánh chết.

Tại xã Tam Hòa (huyện Núi Thành, Quảng Nam), người dân dưới sự hướng dẫn của các đoàn thể đã ngâm ủ lúa nảy mầm, sau đó trộn với thuốc sinh học Racumin để đặt ở các hang và những nơi chuột thường xuyên lui tới. Thuốc sinh học có tác dụng trong 2 ngày từ khi đánh bả, hàng chục kg chuột bị trúng độc và chết nằm khắp nơi. Người dân địa phương đã thu gom và xử lý đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường.

Sử dụng thuốc sinh học trộn với lúa ngâm ủ để bẫy chuột. Ảnh: L.K.

Sử dụng thuốc sinh học trộn với lúa ngâm ủ để bẫy chuột. Ảnh: L.K.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Nam, vụ đông xuân 2024 – 2025, toàn tỉnh sản xuất khoảng 41.500ha lúa. Hiện đang là thời gian chuẩn bị vụ gieo trồng, thức ăn của chuột ở ngoài đồng ít, chuột thường sống và gây hại tập trung trên một số khu vực nhất định như những vùng gò, đồi, bờ tre, bờ ruộng... Do đó, tổ chức diệt chuột ở những nơi này sẽ đem lại hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Sương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với phong trào diệt chuột bảo vệ mùa màng, cần phát động toàn dân triển khai thực hiện, xác định khu vực lưu trú tập trung của chuột; ra quân đồng loạt đào bắt, tìm kiếm các hang ổ chuột, hun khói, đổ nước... kết hợp đặt bẫy, bả ở những khu vực chuột thường xuyên qua lại. Tuy nhiên, trong quá trình đào bắt hang ổ chuột cần chú ý không làm hư hỏng công trình thủy lợi.

 “Để việc ra quân diệt chuột đạt hiệu quả cao và xuyên suốt cả vụ, các địa phương cần xây dựng kế hoạch diệt chuột cho cả vụ để chủ động phòng trừ trong từng giai đoạn. Diệt trừ chuột hại phải mang tính cộng đồng và toàn diện, phải có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương”, bà Sương nói.

Bình luận