Gieo sạ dày sẽ 'thiệt đơn thiệt kép'

Bình luận · 1028 Lượt xem

Năng suất lúa cao hay thấp do tích số của 3 yếu tố hợp thành, đó là số bông/m2, số hạt chắc/bông và trọng lượng hạt của giống...

Trong đó, yếu tố trọng lượng hạt do bản chất di truyền của giống quyết định, ít thay đổi; còn số bông và số hạt chắc/bông bị thay đổi nhiều theo mật độ gieo sạ, lượng phân bón và thời tiết quyết định. Khi số bông/m2 tăng lên thì số hạt chắc/bông bị giảm xuống.

Vì vậy, năng suất lúa của một giống đã được trồng quyết định chủ yếu bởi 2 yếu tố là số bông trên đơn vị diện tích (ta thường lấy là 1m2) và số hạt chắc trên bông. Cụ thể là tổng số hạt chắc trên đơn vị diện tích quyết định. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một giống lúa cụ thể, ví dụ IR64, nếu có 300 bông/m2 thì mỗi bông có 150 hạt chắc, mỗi m2 ta có 45.000 hạt; còn nếu có 600 bông/m2 thì mỗi bông chỉ còn lại 65 hạt/bông, ta chỉ thu được 39.000 hạt/m2.

47

Từ năm 2016, Bộ NN-PTNT đã phát động chiến dịch giảm giống lúa sạ còn 80kg/ha.

Như vậy, khi trồng 1 giống lúa nào đó, cần phải khống chế số bông vừa phải, tức số lượng giống vừa phải. Nếu gieo sạ quá dày thì rủi ro mang lại nhiều hơn sạ thưa. Ở miền Bắc, từ những năm 60 của Thế kỷ 20, bà con nông dân đã từng tham gia thực nghiệm với các nhà khoa học, và đã nhận thấy rằng một giống lúa cụ thể nếu cấy 25 khóm (bụi)/m2 thì cho năng suất cao hơn cấy 50 bụi/m2, từ đó nảy sinh câu ca dao “cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc được ăn” và dần dần họ chỉ áp dụng kỹ thuật gieo mạ 40kg vừa đủ cấy cho 1ha, hoặc gieo sạ 50kg cho 1ha là phổ biến.

Ngày nay ở ĐBSCL, bà con ở xã Bắc Hòa và các xã lân cận của huyện Hậu Thạnh (Long An) cũng đã áp dụng kỹ thuật sạ 50 - 60 kg thóc/ha và đạt được năng suất khá cao. Khi được hỏi tại sao bà con không sạ 150kg thóc/ha như các vùng khác, bà con chỉ cười và nói sạ vậy phí hạt giống quá mà năng suất lại thấp.

Từ năm 2016, Bộ NN-PTNT đã phát động chiến dịch giảm giống lúa sạ còn 80kg/ha. Và để thực thi chỉ thị này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cùng với Trung tâm Khuyến nông của 13 tỉnh ĐBSCL thực hiện trình diền khắp 13 tỉnh.

Nhưng ngay trong khu trình diễn, không ít bà con vẫn không dám làm theo ý kiến của các nhà khoa học  mà vẫn sạ giống trên 100kg, thậm chí có nơi vẫn sạ 130kg hay 150kg thay vì sạ 80kg/ha để thu được kinh nghiệm tốt hơn.

Empty

Việc gieo sạ thưa ở mức tối ưu nhất sẽ cho năng suất lúa cao nhất.

Không ít bà con vẫn còn giữ quan điểm sạ dày để có nhiều bông mới có năng suất cao. Vậy thực hư ý kiến này như thế nào? Xin được tham khảo các dẫn liệu cụ thể dưới đây để có thêm kinh nghiệm.

Lấy mô hình ở Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang do 2 hộ là ông Nguyễn Hồng Tánh và ông Nguyễn Văn Thảo thực hiện trong vụ đông xuân 2020 - 2021 để tham khảo.

Tại hộ ông Tánh, bên mô hình sạ 120kg (không dám sạ 80kg), bên đối chứng sạ 150kg giống/ha, chênh nhau 30kg/ha. Xét chồi tối đa thì bên đối chứng có cao hơn 129 chồi/m2. Nhưng ông Tánh không hiểu rằng năng suất cao là do tổng số hạt chắc/m2 cao chứ không phải số chồi tối đa. Sau thời gian, số chồi do dày quá, chết lụi bớt đi vì thiếu ánh sáng, thiếu thức ăn và thiếu nước.

Cuối cùng, bên mô hình có 474 bông, còn bên đối chứng chỉ còn 456 bông, kém mô hình 18 bông, và mỗi bông kém 4 hạt nên trên 1m2 đất kém đến 750 hạt. Cuối cùng, bên mô hình sạ 120kg có năng suất cao hơn đối chứng là 190kg thóc và thu lợi hơn đối chứng 2.128.140đ/ha. Lý do là sạ dày tốn thêm tiền giống, tiền phân và cả tiền thuốc BVTV, giá thành lại cao. Đây là thực tế trong cùng 1 ruộng của ông Tánh. Còn nếu đem mô hình của ông Tánh sạ 120kg/ha, bón ít phân hơn so với đối chứng của ông Thảo. Cùng một khu đất, ông Thảo sạ 170kg/ha, bón nhiều phân hơn và cao hơn mô hình của ông Tánh là 50kg thóc giống/ha.

Empty

Việc gieo sạ quá dày sẽ hại đủ đường.

Nhận thấy mô hình của ông Tánh có chồi tối đa là 853 chồi/ha, trong lúc trên ruộng ông Thảo có đến 1.137 chồi, cao hơn đến 284 chồi. Nhưng sự thật thì sao? Ruộng ông Thảo có 505 bông cho hạt, nhiều hơn so với mô hình của ông Tánh là 31 bông. Nhưng tiếc thay số hạt chắc trên 1 bông ở ruộng ông Thảo lại thấp hơn ruộng ông Tánh 13 hạt/bông, cuối cùng ruộng ông Tánh lại có số hạt chắc/m2 cao hơn 4.550 hạt/ha, dẫn đến năng suất lúa ruộng mô hình ông Tánh cao hơn 970kg/ha (cao hơn đến 16,86%) và mang lợi nhuận cao hơn đến 9,6144 triệu đồng/ha so với ruộng của ông Thảo.

Như vậy, ruộng ông Thảo sạ 170kg/ha cao hơn ruộng mô hình của ông Tánh 50kg thóc giống, bón nhiều phân hơn 40kg NPK/ha để có số chồi cao hơn 284 chồi là việc làm vô hiệu.

Trong lúc phải chi tiền giống cao, tiền phân cao nhưng năng suất lại quá thấp. Vậy chồi tối đa có phải là yếu tố quyết định năng suất không, hoàn toàn không phải. Do đó, việc sạ dày là việc làm vô cùng lãng phí.

Bản thân cây lúa cũng biết tự điều chỉnh. Khi sạ thưa, cây lúa non mọc lên có khoảng không gian rộng rãi, đầy đủ ánh sáng, thức ăn và nước thì sau khi ra lá thứ 4 lúa bắt đầu đẻ chồi, tốc độ đẻ nhanh, đẻ tập trung, trong lúc sạ dày lúa không thể đẻ nhanh, chỉ đẻ lai rai vì thiếu điều kiện như sạ thưa. Kết quả có chồi nhiều nhưng thiếu ánh sáng, thiếu ăn, thiếu nước nên khả năng chuyển các chất dinh dưỡng về nuôi cây cũng kém. Kết quả chồi nhỏ, yếu, nhiều chồi phải chết sớm để nhường chỗ cho chồi khác sống, lãng phí thức ăn đã bị lấy đi. Bông có thể còn nhiều nhưng hạt trên bông ít và hạt không được no tròn, về sau làm gạo cũng bị thành tấm nhiều, gạo kém phẩm cấp, thiệt đơn thiệt kép

Bình luận