Năm 2022 đã mang đến những sự kiện chưa từng có trong thế kỷ 21: xung đột Nga-Ukraine, lạm phát toàn cầu, và cùng với đó là những đợt tăng giá mạnh mẽ của các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Hiệu ứng “Santa Claus Rally” hay dấu hiệu cho đà tăng mới?
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/12, chỉ số MXV – Nông sản đã tăng 0,56% lên mức 1.849 điểm. Trong đó, giá ngô Chicago cũng nhảy vọt và ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong vòng 6 tuần vừa qua. Các mặt hàng nông sản đã được hỗ trợ ngay từ khi thị trường mở cửa trở lại sau dịp nghỉ lễ.
Điều này một phần đến từ hiệu ứng tâm lý Santa Claus Rally khi giới đầu tư kỳ vọng vào sự tăng giá trên các thị trường tài chính vào tuần cuối cùng của tháng 12 cho tới hai ngày giao dịch đầu tiên của tháng 1 năm sau. Mặc dù hiện tượng này thường được nhắc tới đối với nhóm chứng khoán nhưng tác động gián tiếp cũng kéo giá các loại hàng hóa tăng lên. Thị trường nông sản cũng trải qua diễn biến tương tự trong cùng đợt năm ngoái.
Tuy nhiên, phiên biến động vừa qua của nhóm nông sản không chỉ đơn thuần đến từ tâm lý đầu tư mà còn xuất phát từ lo ngại về triển vọng nguồn cung sắp tới. Khô hạn kéo dài ở Argentina trong 2 tháng qua vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và khiến cho mùa vụ ngô và đậu tương đang được gieo trồng phải đối mặt với nguy cơ năng suất sụt giảm, đặc biệt là là khi tháng 1 trở đi sẽ là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của cây trồng ở Nam Mỹ.
Không những thế, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) đã hạ dự báo xuất khẩu đậu tương của nước này trong tháng 12 ở mức 1,72 triệu tấn, giảm so với mức 1,75 triệu tấn ước tính trước đó. Ngoài ra, các lô hàng khô đậu tương xuất khẩu trong tháng 12 của Brazil được ANEC cắt giảm dự báo xuống còn 1,50 triệu tấn, từ mức 1,52 triệu tấn trong báo cáo tuần trước. Hoạt động xuất khẩu hạn chế do tồn kho của Brazil ở mức thấp trong giai đoạn cuối năm cũng hỗ trợ giá các mặt hàng nông sản.
Triển vọng nhu cầu sau khi Trung Quốc nới lỏng phòng dịch
Việc Trung Quốc dần dần nới lỏng chiến lược phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt mang tên "Zero Covid" vừa tạo ra tâm lý lạc quan nhưng cũng đi kèm lo lắng. Đối với thị trường chăn nuôi, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái do lạm phát cao dai dẳng trong suốt năm 2022, việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tái mở cửa trở lại sẽ mang tới những thay đổi về nhu cầu nông sản trong sản xuất tăng.
Chính sách nới lỏng các hạn chế sẽ cho phép các doanh nghiệp chăn nuôi ở Trung Quốc nhanh chóng thúc đẩy hoạt động sản xuất và quay trở lại năng suất trước đây. Theo tờ The Economist, hoạt động kinh tế trong nửa cuối năm 2023 sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm tới. Các nhà kinh tế và doanh nghiệp trong ngành nhìn chung kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải vật lộn với lạm phát cao kéo dài.
Tâm lý kỳ vọng chung trên không phải thiếu cơ sở khi quốc gia này đã trải qua đợt hồi phục mạnh mẽ vào năm 2021, sau giai đoạn đầu tiên của đại dịch Covid -19. Hoạt động nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc được thúc đẩy cực kì mạnh mẽ trong giai đoạn này để phục vụ cho ngành chăn nuôi đã góp phần khiến cho giá nông sản bước vào đà tăng phi mã vào 6 tháng đầu năm 2021.
Giá nông sản thế giới hiện vẫn đang ổn định sau giai đoạn giằng co vài tuần qua nhưng xét về triển vọng mùa vụ đang được gieo trồng ở Nam Mỹ hay kỳ vọng về nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc khi kinh tế hồi phục trở lại đều đang là yếu tố hỗ trợ cho giá trong vài tháng tới.
Ông Phạm Thanh Dương, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết: Giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều đang có dấu hiệu bước vào một xu hướng tăng mới. Giai đoạn quý I hàng năm thường là thời điểm giá nông sản thế giới được hỗ trợ mạnh do lo ngại về yếu tố thời tiết ảnh hưởng tới nguồn cung. Các doanh nghiệp chăn nuôi nên chuẩn bị kế hoạch mua hàng để đảm bảo nguồn nguyên liệu nhập khẩu và phòng ngừa rủi ro tăng giá trước khi bước vào năm 2023
Nguồn: sưu tầm trang Nhân Dân