Kinh nghiệm giải bài toán nông nghiệp bền vững của IDH

Bình luận · 257 Lượt xem

Đại diện Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) chia sẻ kinh nghiệp phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh Quy định chống phá rừng châu Âu sắp có hiệu lực.

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH). Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH). Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 16/5/2023, Nghị viện Châu Âu thông qua Quy định Chống phá rừng Châu Âu (EUDR), dự kiến có hiệu lực từ tháng 12/2024. Trong các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU, cà phê là mặt hàng nông sản sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi quy định này được áp dụng.

Khẳng định lại vấn đề này, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) nhấn mạnh, trên toàn cầu, cà phê là một một trong các ngành hàng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi EUDR.

Những người sản xuất cà phê trên toàn cầu hầu hết đều là những người sản xuất có quy mô nhỏ và ở các nước chưa phát triển, đang phát triển. Vì vậy họ chưa sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu trong thời gian ngắn hạn hiện nay.

Trong khi đó, châu Âu là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng cà phê của toàn cầu. Khi EUDR được áp dụng và có hiệu lực vào cuối năm 2024 thì khoảng 12,5% số hộ nhỏ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Quá trình giúp đỡ người nông dân đáp ứng được những yêu cầu này cũng rất khó khăn, tuy nhiên cũng là cơ hội cho Việt Nam. Hiện tại cơ hội này mở ra cho các thị trường đã đáp ứng được những điều kiện cơ bản của EUDR, ví dụ có tỷ lệ phá rừng thấp từ năm 2020 trở lại đây, hoặc có hệ thống quản lý rừng, cơ sở dữ liệu tốt.

Điển hình là thị trường Brazil sẽ có cơ hội lớn khi EUDR chính thức được áp dụng vào cuối năm 2024. Giữa những nước còn lại, nước nào hành động nhanh, quyết liệt thì sẽ là nước thắng cuộc trong cuộc chơi tiếp theo của thị trường thế giới.

“Đặc biệt, Việt Nam hiện nay được đánh giá là tỷ lệ phá rừng do sản xuất cà phê rất thấp. Theo đánh giá của một nhà mua lớn ở châu Âu, tỷ lệ phá rừng cho sản xuất cà phê tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1%. Vì vậy, khả năng Việt Nam không vi phạm EUDR rất lớn. Những yêu cầu còn lại của EU chúng ta cần đáp ứng trong vòng 18 tháng nữa”, đại diện IDH nhận định.

Để có thể đáp ứng được yêu cầu này, phần còn lại trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, Bộ NN-PTNT, doanh nghiệp và đặc biệt là của người nông dân trong việc tiếp tục giữ rừng. Có một nguy cơ, đó là hiện tại giá cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới đang tăng và có khả năng người nông dân sẽ phá rừng ở quy mô nhỏ để trồng cà phê.

“Vì vậy, truyền thông cần giúp người dân hiểu được rằng nếu họ tiếp tục phá rừng thì sản phẩm cà phê sẽ không vào được thị trường châu Âu và ngay cả các thị trường khác có những yêu cầu tương tự EUDR”,, bà Trần Quỳnh Chi nói.

Với kinh nghiệm của mình, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á của IDH cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia là việc đầu tiên mà Việt Nam phải làm để có thể xuất khẩu hàng. Nhiều doanh nghiệp cũng đã tự hành động, ví dụ như Nestlé đã tự xây dựng hệ thống để phù hợp với quy định thị trường EU.

Tuy nhiên, theo bà Chi, nếu mỗi doanh nghiệp có một hệ thổng như vậy sẽ đẩy chi phí lên rất cao, và cuối cùng thì người nông dân chịu thiệt. Thứ hai, trong khi doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực thì doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, không có khả năng đầu tư hệ thống và xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu.

“Yêu cầu của thị trường châu Âu về hệ thống truy xuất nguồn gốc đến tận vườn là điều hết sức là khó khăn, hầu như ngành hàng cà phê Việt Nam khó có thể đáp ứng được, kể cả về chi phí và yêu cầu hệ thống”, đại diện IDH nhận định.

Do đó, hiện tại IDH đang phối hợp với hàng loạt doanh nghiệp trong nước để thử nghiệm 3 hệ thống truy xuất nguồn gốc đến các vùng nguy cơ thấp, không có nguy cơ và nguy cơ cao, từ đó giải quyết bài toán chi phí và chia sẻ thông tin cho EU, xem có cần thiết phải áp dụng hệ thống phức tạp đến tận vườn cà phê không.

Về cơ bản, Việt Nam hướng tới phát triển bền vững cả về mặt xã hội và môi trường, không gây nguy cơ về giảm đa dạng sinh học, phát thải lớn, phá rừng hay lao động trẻ em, lao động cưỡng bức. Xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia minh bạch hóa ngành hàng và hỗ trợ nông dân ở những khu vực nguy cơ cao.

Sản xuất bền vững chính là chuẩn bị cho những dự luật tiếp theo của thị trường nhập khẩu thế giới. IDH luôn luôn sẵn sàng đồng hành với Bộ NN-PTNT, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để chuẩn bị tốt cho các lộ trình tiếp theo, đáp ứng EUDR.

Bình luận