Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị đẩy mạnh sáng kiến 'One ASEAN'

Bình luận · 194 Lượt xem

Nhiều đề xuất được đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành ABPA, nhằm thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa nhà xuất bản các nước và làm đa dạng bản sắc ASEAN.

 

Các đại biểu tham quan triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Ngày 15/9, tại Trung tâm báo chí TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA).

 

Hội nghị tập trung vào ba nhóm chủ đề chính. Đó là: Rà soát thực trạng ngành xuất bản các nước thành viên ABPA; Đề xuất các hướng thúc đẩy hợp tác nội khối; Thảo luận và quyết định quốc gia đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 2024-2025.

 

Nhiều ý kiến tại hội nghị đánh giá, ngành xuất bản các nước ASEAN đã vượt qua khó khăn như tác động tiêu cực của Covid-19, suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu… Xuất bản của một số quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Việt Nam… đều có tín hiệu tích cực.

 

Thành viên ABPA có nhiều nỗ lực đa dạng hóa các hoạt động phát triển văn hóa đọc, thành lập trung tâm giao dịch bản quyền, tăng cường hiện diện tại các hội sách quốc tế, tổ chức các giải thưởng sách quốc gia, thúc đẩy sử dụng học liệu điện tử.

 

Với tư cách Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2022 - 2023, Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra 3 đề xuất hợp tác trong thời gian tới.

 

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu thực hiện sáng kiến “One ASEAN”, thông qua ABPA, nhằm thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa nhà xuất bản các nước, từ đó học hỏi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền trong khu vực, thực hiện mục tiêu làm đa dạng bản sắc ASEAN, đưa khu vực thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới. 

 

Thứ hai, thành lập trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA, để giới thiệu sách của các hiệp hội thành viên, góp phần thúc đẩy giao dịch bản quyền nội khối và chia sẻ thông tin, có hướng xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bản quyền.

 

Thứ ba, thành viên ABPA thành lập giải thưởng sách ASEAN, đồng thời ban hành các nguyên tắc, quy chế và tiêu chí lựa chọn sách viết về chủ đề ASEAN.

 

Hội Xuất bản Việt Nam cũng đề nghị tổ chức Hội chợ sách quốc tế ở TP.HCM vào tháng 4/2024.

 

PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ABPA , bày tỏ niềm vui khi Việt Nam là một phần của một cộng đồng đã sát cánh cùng nhau trong 18 năm qua.

 

“Hiệp hội bước đầu đáp ứng được nhu cầu giao lưu, hợp tác giữa các nước thành viên. Hiệp hội trở thành một kênh trao đổi thông tin, chia sẻ những chính sách mới của ngành xuất bản mỗi nước, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Qua đó các thành viên có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tùy chỉnh áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước”, ông Tuấn nói.

 

Các hoạt động do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch cũng hướng đến mục tiêu “One ASEAN”. Cùng với đó, ngành xuất bản Việt Nam góp phần duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh và tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực, nâng cao khả năng tự cường khu vực.

 

Sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ABPA, Hội Xuất bản Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp ngoại giao nhân dân, giúp nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Trước đó, để chào mừng hội nghị, Đường Sách TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật cùng một số nhà xuất bản liên quan đã tổ chức “Triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

 

Tủ sách về chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày nhiều ấn phẩm về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những phẩm chất đạo đức, tư tưởng, phong cách của Người, được chia thành nhiều mảng đề tài như: Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sách nghiên cứu về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sách nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

 

Đặc biệt, 5 di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc và được công nhận là Bảo vật Quốc gia, gồm: “Đường Kách mệnh”; "Nhật ký trong tù”; “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” và “Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã được Ban tổ chức giới thiệu.

 

Tủ sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng và cách mạng Việt Nam cũng được trưng bày trong khuôn khổ sự kiện.

Bình luận